Nhật Bản bất ngờ xem xét lại chiến lược đàm phán hòa bình với Nga?
Nhật Bản bất ngờ xem xét lại chiến lược đàm phán hòa bình với Nga? (Ảnh minh họa) |
Trước đó, Thủ tướng Nhật bản Shinzo Abe đã lên kế hoạch nhằm đạt được thỏa thuận khung về hiệp ước hòa bình với Nga tại cuộc gặp với Tổng thống Vladimir Putin vào cuối tháng 6 này tại diễn đàn G20 ở Osaka.
Tuy nhiên, theo tờ Jiji, hiện giờ Thủ tướng Abe nhận ra điều này là không khả thi. Như Jiji đưa tin trước đó, trong cuộc gặp ngày 22 tháng 1 với Tổng thống Putin, hai bên đã không chứng minh được có bất kỳ tiến triển đáng kể nào về vấn đề ký kết hiệp ước hòa bình Nga – Nhật.
Theo một quan chức cấp cao, "để đi đến một điều gì đó trong một vài tháng thông qua các cuộc đàm phán đã kéo dài trong nhiều năm, về nguyên tắc là không thể".
Theo Jiji, tuyên bố của Thủ tướng Abe tại phiên điều trần của quốc hội Nhật Bản trong tuần này, khi ông nói rằng sẽ không giới hạn thời gian của các cuộc đàm phán trong năm nay, cũng đã nói về sự thay đổi chiến lược. Tokyo đã bắt đầu nghi ngờ liệu Thủ tướng có thể giải quyết vấn đề này trong khuôn khổ nhiệm kỳ của ông đến tháng 9/2021 hay không.
Theo Jiji, chính quyền Nhật Bản đã "suy nghĩ về cách truyền đạt vấn đề này cho chính quyền tiếp theo nếu các cuộc đàm phán bị kéo dài".
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng tình hình chỉ có thể được giải quyết trong khi ông Abe đang còn ở vị trí Thủ tướng Nhật Bản. Ngoài ra, có tính đến thực tế là tâm lý chống lại việc chuyển giao các đảo tranh chấp cho phía Nhật Bản đã gia tăng ở Nga.
Thủ tướng Nhật Bản Abe, Tổng thống Nga Putin |
Quan hệ Nga - Nhật Bản
Từ sau năm 1945, quan hệ giữa Nhật Bản và Liên Xô trước đây, cũng như với Nga hiện giờ vẫn luôn bị ảnh hưởng bởi những bất đồng xung quanh chủ quyền của bốn hòn đảo thuộc quần đảo mà Nga gọi là Nam Kuril, Nhật Bản gọi là Vùng lãnh thổ phía Bắc.
Tokyo và Moscow vẫn chưa ký một hiệp ước hòa bình để chính thức chấm dứt các động thái thù địch thời chiến do tranh chấp liên quan tới 4 đảo ngoài khơi Hokkaido được Nhật Bản tuyên bố chủ quyền song do Nga kiểm soát. Nhóm đảo này đã bị Liên Xô nắm giữ khi Chiến tranh Thế giới thứ hai kết thúc.
Hồi tháng 11/2018, Thủ tướng Abe và Tổng thống Putin đã nhất trí đẩy nhanh các cuộc đàm phán trên cơ sở một tuyên bố chung năm 1956, theo đó Moscow đồng ý trao trả 2 đảo nhỏ hơn cho Tokyo sau khi một hiệp ước hòa bình được ký kết.
Từ giữa thế kỷ 20, Nga và Nhật Bản đã tổ chức đàm phán về Hiệp ước hòa bình sau Thế chiến II, và những tranh chấp chủ quyền đối với quần đảo Nam Kuril là trở ngại chính đối với tiến trình đàm phán. Hai bên đã ký một tuyên bố chung về chấm dứt tình trạng chiến tranh vào năm 1956, tuy nhiên chưa ký kết được Hiệp ước hòa bình. Sau khi Nhật Bản ký Hiệp ước an ninh với Hoa Kỳ vào năm 1960, Liên Xô cũ đã thu hồi các đảo trên, đồng thời tuyên bố sẽ chỉ bàn giao cho Nhật Bản các đảo khi nào tất cả các lực lượng ngoại quốc được rút khỏi lãnh thổ.