Nhật Bản, Ấn Độ - ‘Kẻ ngáng đường’ Trung Quốc ở Biển Đông?
Nước xa, lửa gần
Niềm tin ấy là có cơ sở. Với nước Mỹ, dù rất muốn “trở lại châu Á – Thái Bình Dương” và muốn ủng hộ đồng minh (Philippines) của mình ở Đông Nam Á nhưng nước này vẫn còn khá nhiều sự bận tâm ở trong nước nhưng đặc biệt hơn là họ không muốn quá mạnh tay với Trung Quốc để duy trì một đối tác thương mại quan trọng hàng đầu. Chính vì thế, dù đã có những tuyên bố khá mạnh mẽ nhưng gần như Mỹ chưa có hành động nào thể hiện rằng họ muốn ngăn chặn ý đồ thâu tóm Biển Đông của Trung Quốc.
Hải quân Nhật Bản (ảnh minh họa) |
Nhưng với Nhật Bản và Ấn Độ thì khác. ASEAN tìm thấy sự đồng cảm của Nhật Bản bởi họ cũng đang phải “đau đầu” lo đối phó với chiến thuật “chiến tranh tiêu hao” của Trung Quốc nhằm giải quyết vấn đề tranh chấp chủ quyền đối với quần đảo Senkaku/Điếu Ngư ở Hoa Đông.
Ấn Độ cũng không khác là mấy. Quốc gia đông dân thứ 2 thế giới từ nhiều năm nay vẫn liên tục có những cuộc đối đầu căng thẳng trong vấn đề chủ quyền cả trên bộ lẫn trên biển. Trên Biển Đông, Ấn Độ đang có những “lợi ích quốc gia” thể hiện qua một loạt những dự án liên doanh với Việt Nam trong thăm dò và khai thác dầu khí. Đã nhiều lần Ấn Độ bị Trung Quốc nhắc nhở và dọa dẫm vì đã “dám” bước chân vào đây. Lần này, có vẻ như Ấn Độ đã không thể nhân nhượng được nữa.
Điều đặc biệt hơn nữa là cả Nhật Bản và Ấn Độ đều được coi là những quốc gia có tiềm lực quân sự khá “tương xứng” với Trung Quốc, đủ để “chơi tay đôi sòng phẳng” khi cần thiết.
Trong một tuyên bố vừa phát ra cách đây gần một tuần, Philippines khẳng định rằng “một nước Nhật Bản hùng mạnh hơn có thể là một đối trọng đáng kể trước các động thái bành trướng quân sự của Trung Quốc – điều đang gây lo ngại cho các nước nhỏ ở châu Á.
Ông Raul Hernandez – người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Philippines nói: “Philippines đang hướng về Nhật Bản để tìm kiếm sự ủng hộ cho tiến trình giải quyết hòa bình các vấn đề tại Biển Đông, trở thành một trong những đối tác liên quan đến những liên minh quốc phòng trong khu vực”.
Đến lúc này thì “ý tứ” của Philippines đã lộ rõ. Thậm chí ông Albert Del Rosario – Ngoại trưởng Philippines còn khẳng định với tờ Thời báo Tài chính (Anh) rằng, Philippines ủng hộ một nước Nhật tái vũ trang (phát triển quân đội chính quy). “Chúng tôi hoan nghênh bởi chúng tôi đang tìm kiếm các yếu tố cân bằng trong khu vực nên Nhật Bản có thể đóng một vai trò rất quan trọng”, ngoại trưởng Rosario nói.
Trung Quốc phản ứng gì trước một kịch bản “bị các nước láng giềng đánh hội đồng” vì họ không chịu nổi sự ngông nghênh và ngang ngược của nước này ở Biển Đông nữa? Hồng Lỗi – người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho rằng việc “kìm hãm Trung Quốc đã lỗi thời” bởi cuộc Chiến tranh lạnh đã trôi qua và các hành vi kìm hãm Trung Quốc là không khả thi.
Các căng thẳng và tranh chấp biển đảo đang thử thách sự đoàn kết của các nước ASEAN đồng thời tạo điều kiện cho Mỹ “nhúng tay” sâu hơn vào khu vực. Ngày 11/12 vừa qua, Philippines đã tổ chức các cuộc hội đàm với Mỹ để bàn về các biện pháp thúc đẩy liên minh, kể cả giải pháp tăng cường sự hiện diện luân phiên của các lực lượng quân sự Mỹ trên lãnh thổ nước này.
Về phía Ấn Độ, hồi đầu tháng 12 vừa qua, đô đốc chỉ huy trưởng của Hải quân Ấn Độ D.K Joshi đã tuyên bố nước này đã sẵn sàng triển khai tàu chiến đến Biển Đông để bảo vệ các lợi ích quốc gia trước hàng loạt những hành động hiếu chiến của Trung Quốc.
Tuy nhiên, Dhruva Jaishankar - nhà nghiên cứu thuộc Chương trình châu Á của Quỹ German Marshall (Mỹ) lại tỏ ra nghi ngờ sự “mạnh mẽ” lần này của Ấn Độ. Ông này cho rằng thực tế, đô đốc Joshi chỉ tái khẳng định sự quan ngại của Ấn Độ trước những hoạt động hiện đại hóa rất nhanh của hải quân Trung Quốc và phát đi tín hiệu rằng Ấn Độ đang chuẩn bị để đối phó với những trường hợp xấu nhất.
Đô đốc D.K Joshi - Tổng tư lệnh Hải quân Ấn Độ tuyên bố, Ấn Độ đã sẵn sàng triển khai tàu chiến tới Biển Đông để bảo vệ các lợi ích quốc gia của mình trước sự hiếu chiến của Trung Quốc. |
Liên minh ngầm?
Tập đoàn dầu khí ONCG Videsh thuộc sở hữu nhà nước Ấn Độ đã tham gia các dự án thăm dò và khai thác dầu khí với Việt Nam từ năm 2006 bất chấp sự tuyên bố chủ quyền cũng như những lời “đe nẹt” của Trung Quốc. Chính phủ Ấn Độ vẫn khẳng định rằng hoạt động dò tìm dầu khí với Việt Nam trên Biển Đông là hoạt động hợp pháp và tuyên bố sẽ không chùn bước trước áp lực của Bắc Kinh.
Theo bình luận của hãng tin Reuters (Anh), đến nay, New Delhi vẫn chưa có tuyên bố nào thể hiện lập trường của mình đối với vấn đề Biển Đông, đặc biệt là vấn đề tranh chấp lãnh hải giữa Trung Quốc và Việt Nam nhưng thông qua các dự án dầu khí, Ấn Độ dường như đã ngầm tuyên bố rằng họ ủng hộ quan điểm của Việt Nam.
Nhờ nền kinh tế tăng trưởng nhanh, công nghệ quân sự được cải thiện đáng kể, sự chênh lệch về tương quan tiềm năng quân sự giữa Ấn Độ và Trung Quốc đã giảm đi đáng kể và nước này quyết sẽ không bỏ lỡ cơ hội để tăng cường sự hiện diện tại Thái Bình Dương nhằm đáp ứng phần nào nhu cầu năng lượng cho phát triển của mình.
Nhà nghiên cứu Dhruva Jaishankar cũng nhận định rằng, những động thái hiếu chiến và “vô luật lệ” của Bắc Kinh trong các nỗ lực theo đuổi những tuyên bố chủ quyền sẽ buộc Ấn Độ phải hợp tác chặt chẽ hơn với Việt Nam hay các nước Đông Nam Á khác.
“Đến lúc này, Trung Quốc chỉ có thể đổ lỗi cho chính mình nếu các nước nhỏ hơn “đồng bệnh tương lân”, xích lại gần nhau, hợp tác với nhau chặt chẽ hơn, liên kết với các lực lượng hải quân khác trong khu vực nhằm một mục đích duy nhất: Chống lại Trung Quốc”, ông Dhruva Jaishankar kết luận.