Nhanh tay trục lợi, Triều Tiên xuất khẩu mặt nạ chống độc sang Syria
Hồi tháng Bảy, chính quyền Panama đã bắt giữ tàu Chong Chon Gang của Triều Tiên chở vũ khí của Cuba |
Hôm 27/8, tờ Sankei Shimbun của Nhật Bản, trích nguồn tin tình báo giấu tên trong quân đội Mỹ, cho biết một tàu chở hàng mang tên Al En Ti Sar của Libya đã rời cảng Triều Tiên lên đường tới Syia hồi đầu năm này.
Trong đó, quân đội Mỹ và các quốc gia khác đã giám sát hành trình di chuyển của con tàu trên và nghi ngờ con tàu hàng này chở các mặt hàng do Triều Tiên sản xuất.
Được quân đội Mỹ thông báo trước, chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ đã chặn lại và kiểm tra tàu Al En Ti Sar khi nó đang đi qua eo biển Dardanelles của Thổ Nhĩ Kỳ hôm 3/4. Theo Sankei Shimbun, giới chức Thổ Nhĩ Kỳ đã tịch thu 1.400 cây súng trường và súng lục cùng 30.000 viên đạn cũng như mặt nạ chống khí độc.
Chính quyền Mỹ cho rằng khả năng con tàu của Libya dự định neo lại cảng và dỡ hàng tại Thổ Nhĩ Kỳ sau đó chuyển cho lực lượng quân đội trong đất liền của Tổng thống Bashar al-Assad.
Thổ Nhĩ Kỳ đã bắt giữ và buộc tội thuyền trưởng con tàu sau khi thừa nhận tàu Al En Ti Sar xuất phát từ Triều Tiên và làm nhiệm vụ chở vũ khí cho Syria, tờ Sankei Shimbun cho biết.
Hiện nay, Syria là một trong những nước chịu lệnh trừng phạt cấm buôn bán vũ khí do Liên minh châu Âu, Mỹ và các đồng minh áp đặt. Trong khi đó, Triều Tiên lại đang phải thi hành lệnh cấm của Liên Hiệp Quốc về việc buôn bán vũ khí sau khi thực hiện các cuộc thử nghiệm hạt nhân và tên lửa. Nếu thông tin Triều Tiên xuất khẩu khí tài sang Syria được xác nhận, Bình Nhưỡng có khả năng sẽ tiếp tục chịu thêm lệnh trừng phạt của Liên Hiệp Quốc.
Trong những năm qua, Triều Tiên và Syria được cho là có mối quan hệ quân sự kể cả trong hoàn cảnh quốc gia Trung Đông đang lâm vào cuộc nội chiến kéo dài hơn 2 năm qua. Thậm chí, một số nguồn thông tin cho biết Triều Tiên đã giúp Syria xây dựng một nhà máy hạt nhân vốn bị Israel dùng bom tấn công và phá hủy hồi năm 2007.
Hiện nay, các quốc gia phương Tây đang nung nấu triển khai phương án tấn công quân sự nhằm vào các mục tiêu tại Syria sau lời cáo buộc chính quyền của Tổng thống Assad là thủ phạm thực hiện vụ tấn công vũ khí hóa học gần thủ đô Damascus hôm 21/8.
Phe đối lập tại Syria cáo buộc vụ tấn công hôm 21/8 đã cướp đi sinh mạng của 1.300 người bao gồm trẻ em. Tuy nhiên, theo báo cáo của tổ chức Bác sĩ không biên giới, ít nhất 355 người đã thiệt mạng do mắc phải các "triệu chứng nhiễm độc thần kinh".