Nhân viên tứ tán, nhảy nghề khác, du lịch khát người làm sau đại dịch
Tứ tán về quê, nhảy sang làm bảo hiểm, kinh doanh, nhiều lao động trong ngành du lịch ở Đà Nẵng phải tự tìm cách mưu sinh khi các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch tạm dừng hoạt động.
Chị Phương Mai, quản lý một khách sạn ở quận Hải Châu (Đà Nẵng) cho biết, sau nhiều tháng thất nghiệp vì dịch bệnh, chị đã chuyển sang kinh doanh hệ thống. Công việc hiện tại khá ổn nên chị cũng chưa chắc chắn có quay trở lại nghề hay không.
Theo thống kê của Sở Du lịch, trải qua các đợt dịch, hiện có khoảng 80% lao động trực tiếp ngành du lịch (42.000 lao động) đã và đang thất nghiệp.
Thiếu hụt nguồn nhân lực là một bài toán mà các doanh nghiệp phải đối mặt khi hoạt động du lịch phục hồi. Ảnh minh hoạ |
Chị Nguyễn Thị Mỹ Trinh, Giám đốc khách sạn Biển Vàng cho biết, dịch bệnh khiến doanh nghiệp phải cắt giảm nhân sự từ 22 nhân viên xuống chỉ còn 10 nhân viên và cuối cùng chỉ có thể giữ lại một bảo vệ và một nhân viên dọn dẹp. Các nhân viên cũ đã về quê, tha phương, nhiều người đã có ngã rẽ công việc mới, nhiều khả năng sẽ không quay trở lại nghề.
“Thành phố đã cho đón khách trở lại từ tháng 11, để chuẩn bị cho công tác phục hồi du lịch, chúng tôi đang tập trung nâng cấp khách sạn để kịp mở cửa và liên lạc với nhân viên cũ. Nhân viên chính là tài sản của công ty nhưng giờ mọi người về quê, chuyển việc. Nếu có mở cửa thì phải tuyển mới, đào tạo, tập huấn lại từ đầu”, chị Trinh lo ngại.
Cũng theo chị Trinh, việc tuyển dụng cũng phải tuỳ thuộc tình hình, nếu chắc chắn có khách thì lúc đó khách sạn mới bắt đầu tuyển dụng lại.
Lãnh đạo khu nghỉ dưỡng Furama Đà Nẵng cho hay, sau nhiều đợt dịch, đội ngũ lao động của Furama cũng bị giảm nhiều, từ gần 800 lao động còn hơn 200 lao động, đủ để duy trì hoạt động. Do đó khi hoạt động du lịch hồi phục thì doanh nghiệp cũng phải tuyển dụng và đào tạo lại.
Theo kế hoạch khôi phục hoạt động du lịch thành phố Đà Nẵng, trong bối cảnh bình thường mới, giai đoạn 1, từ tháng 11/2021, sẽ thí điểm đón khách quốc tế theo các chương trình du lịch trọn gói, thông qua các chuyến bay thuê chuyến và thương mại quốc tế thường lệ tại các khu vực, cơ sở dịch vụ du lịch được lựa chọn.
Đây là lần thứ 5 cộng đồng doanh nghiệp du lịch quay lại thực hiện kích cầu, ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng cho biết, các doanh nghiệp lạc quan lần trở lại này sẽ “bền” hơn những lần trước.
Theo ông Dũng, các doanh nghiệp rất ủng hộ, mong chờ lần trở lại này song bên cạnh đó cũng có nhiều nỗi lo.
“Dịch bệnh kéo dài, tâm lý khách dè dặt, lo ngại đi du lịch cho nên cái khó là có mở thì khách chưa nhiều. Các doanh nghiệp sẽ cân nhắc giữa doanh thu với chi phí bỏ ra, họ khôi phục tiến độ dần dần chứ không thể trở lại ngay nhưng cam kết hệ thống dịch vụ du lịch Đà Nẵng luôn đáp ứng nhu cầu của khách”, ông Dũng nói.
Bên cạnh thiếu hụt nguồn khách, nguồn lực kinh tế thì thiếu hụt nguồn nhân lực cũng là một bài toán mà các doanh nghiệp phải đối mặt khi hoạt động du lịch phục hồi bởi sau thời gian nghỉ dài nhiều nhân sự đã tìm được việc mới và không muốn quay trở lại với nghề du lịch.
Trao đổi với PV Infonet, ông Nguyễn Xuân Bình, Phó Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng cho biết, hiện nay có thể thấy khó khăn lớn nhất mà ngành du lịch đang phải đối mặt chính là tình hình diễn biến khó lường trước của dịch bệnh Covid-19 trong và ngoài nước gây tâm lý lo ngại cho người dân khi đi du lịch, các quốc gia trên thế giới đang bước vào đợt dịch mới với mức độ nguy hiểm tăng cao.
Đồng thời trong thời gian qua tình hình dịch bệnh kéo dài khiến nguồn lực doanh nghiệp đã kiệt quệ, tình hình nguồn nhân lực du lịch nghỉ việc và việc quay trở lại để thích ứng phục vụ khách cũng rất khó khăn.
Để chuẩn bị các điều kiện hoạt động trở lại, hiện nay Sở đang triển khai các biện pháp, quy trình phòng, chống dịch tại các cơ sở dịch vụ phục vụ du lịch... Triển khai tiêm vắc xin phòng Covid-19, tổ chức đào tạo chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ lao động du lịch.
Diệu Thuỳ
Đà Nẵng mở đón khách quốc tế, khách sạn, nhà hàng vẫn cửa đóng then cài
Theo kế hoạch, từ tháng 11, Đà Nẵng sẽ mở cửa đón khách du lịch quốc tế đến thành phố. Tuy nhiên, nhiều khách sạn, nhà hàng vẫn đóng cửa im lìm, nhiều nơi hoang tàn như vừa qua cơn bão