Nhà trẻ cho con em công nhân: Cho chúng tôi cơ chế, chúng tôi sẽ làm!
Việc thành lập nhà trẻ cho công nhân đang gặp rất nhiều khó khăn |
Ông Lâm khẳng định, việc xây dựng này là hết sức bức thiết bởi trong thời gian vừa qua trên địa bàn TP liên tiếp xảy ra những vụ bảo mẫu hành hạ trẻ. Đa số những trẻ bị bạo hành đó là con em của những công nhân không có thời gian chăm sóc con cái.
Thế nhưng, với 15 KCX – KCN và hơn 1.000 doanh nghiệp nhưng đến nay mới chỉ có KCN Hiệp Phước (huyện Nhà Bè) xây dựng được 1 nhà trẻ Đồng Xanh cho 150 trẻ. Còn những dự án nhà trẻ khác hiện vẫn “án binh bất động”.
Đề án tạo lập quỹ đất xây dựng công trình phục vụ tiện ích cho công nhân đã có từ cuối năm 2010 trong đó xác định việc xây nhà lưu trú cho công nhân và trường mầm non là ưu tiên hàng đầu đã được UBND TP.HCM chấp thuận song đến nay vẫn chưa thể khởi động được.
Bởi theo HEPZA, những doanh nghiệp nằm trong KCN – KCX phần lớn được thành lập từ đầu năm 90. Tại thời điểm này không có quy định phải có nhà ở và trường mầm non. Thế nên, để tìm được quỹ đất xây dựng nhà trẻ, HEPZA phải chọn những doanh nghiệp nào có nhiều khu cây xanh. Đến thời điểm hiện tại, HEPZA đã chọn được 6 điểm xây dựng nhà trẻ tại KCN Vĩnh Lộc, Tân Tạo, KCX Linh Trung 1 và 2.
“Song, để đưa vào hoạt động một nhà trẻ khó khăn vô cùng, chúng tôi làm không được. Chẳng hạn có 3 trường mầm non đang khởi động, dự kiến đưa vào hoạt động đầu năm học 2014 – 2015 mà làm trầy trật mãi không xong. Có mỗi việc gửi hồ sơ mà chúng tôi cũng phải chạy vòng vòng hết sở này qua sở nọ”, ông Lâm ngán ngẩm cho biết.
“Chúng tôi cũng muốn ghé vai chịu trách nhiệm trong chuyện này nhưng cơ chế đã như vậy rồi thì chịu thôi. Phải cho chúng tôi cơ chế và phương pháp, chúng tôi sẽ làm”, ông Lâm nói thêm.
Vì vậy, BQL HEPZA kiến nghị, xin trích lại một phần theo tỷ lệ số thuế mà các doanh nghiệp phải đóng hàng năm cho Cục thuế TP.HCM để chăm lo lại cho công nhân. Đồng thời, cần có sự phối hợp giữa các Sở Giáo dục, Sở KH&ĐT, Sở Quy hoạch Kiến trúc… chứ một mình HEPZA không thể làm nổi.