Nhà thuốc tìm mọi cách bán chui thuốc kháng sinh
Tủ thuốc ở nhà thuốc L.G dù có ghi tủ bán theo đơn nhưng chỉ để làm cảnh, dù không có đơn vẫn được người bán đưa cho khách. |
Ngại đến bệnh viện
Tâm lý có bệnh tự ra hiệu thuốc mua thuốc về uống có ở hầu hết mọi người. Không chỉ với trẻ con mà các gia đình đều có sẵn cho mình một tủ thuốc gia đình, trong số đó có tới 90% là thuốc kháng sinh điều trị các loại bệnh.
Chị Vũ Thị Đài Trang trú tại Quán Thánh, Ba Đình, Hà Nội cho biết cứ ba tháng chị lại “nạp” thêm thuốc cho tủ thuốc gia đình các loại kháng sinh trị các bệnh viêm nhiễm như viêm họng, viêm hô hấp. Thậm chí đến thuốc trị viêm phụ khoa chị cũng mua sẵn về, chỉ cần thấy có triệu chứng như các lần trước là chị sử dụng lại đơn cũ của bác sĩ.
Chị Trang cho biết hai cô con gái của chị cũng thường xuyên sử dụng thuốc kháng sinh. Mỗi lần thấy ho, chảy nước mũi là chị cho uống thuốc kháng sinh sẽ đỡ, nặng hơn chị mới cho con đến gặp bác sĩ. Trong tủ thuốc của chị Trang có những lọ thuốc kháng sinh nhập khẩu lên tới hơn 200 nghìn đồng. Chị Trang kể, ngày cháu lớn bị viêm họng, ho chị cho con đi khám, bác sĩ kê thuốc này. Từ đó đến nay cả hai cháu đều được chị cho sử dụng thuốc. Nếu đỡ chị coi thuốc tốt, không đỡ chị coi là thuốc lởm.
Chị Lê Thị Hải Hà trú tại Văn Quán, Hà Đông, Hà Nội cũng tương tự. Chị Hà cho biết chị đều tự mua thuốc về điều trị trước, khi bệnh nặng mới đi bệnh viện. Không chỉ trẻ nhỏ mà ngay cả người lớn trong nhà cũng tự uống thuốc. Cách đây 1 tháng, chị Hà bị giãn dây chằng lưng, đau quá chị ra phòng khám tư tiêm kháng sinh liều cao. Về nhà đỡ đau nhưng hai ngày hết thuốc lại đau. Cả tháng trời đau âm ỉ, đứng lên ngồi xuống khó chịu chị mới đến bệnh viện chụp Xquang, lúc này bác sĩ chẩn đoán chị bị giãn dây chằng.
Nhà thuốc vô tư bán kháng sinh
Theo tìm hiểu của phóng viên, các nhà thuốc đều có quy định các tủ thuốc riêng lẻ, thuốc bán theo đơn. Tuy nhiên bất cứ hiệu thuốc nào chỉ cần người mua hỏi thuốc kháng sinh loại gì, dù là biệt dược, cũng đều được nhân viên nhà thuốc cung cấp.
Khi phóng viên hỏi mua siro trị ho cho trẻ nhỏ, dù chỉ muốn mua siro nhưng bao giờ cũng được nhân viên nhà thuốc lái sang mua kèm theo đủ các loại thuốc kháng sinh khác. Thậm chí, nếu không mua thêm thuốc kháng sinh, người bán hàng còn dọa bệnh nặng rồi đủ các thứ bệnh khác nếu không uống đơn nhân viên tư vấn.
Tại chợ thuốc Halupico, anh Chung – có cửa hàng thuốc tại phố Minh Khai, Hà Nội tâm sự: "Bán thuốc bình thường như thuốc trị cảm cúm thì nhà thuốc chỉ có chết đói. Để tăng doanh thu của nhà thuốc, các ông chủ, bà chủ đều nhập tất cả các loại kháng sinh, biệt dược, hướng thần và thực phẩm về bán. Riêng kháng sinh, biệt dược đều được yêu cầu bán theo đơn. Yêu cầu là thế nhưng chẳng nhà thuốc nào thực hiện bởi nếu thực hiện bán theo đơn cả ngày chỉ bán được vài trăm nghìn tiền hàng.
Trong khi, để duy trì một nhà thuốc, theo quy định tối thiểu diện tích cửa hàng, thuê bằng dược sĩ đại học và các chi phí khác mỗi tháng đã tốn vài chục triệu đồng. Các nhà thuốc đều cố tình bán thuốc kê đơn không cần đơn là vì lẽ đó.
Còn chị Phan Thị Diệu Thùy nhân viên bán thuốc tại nhà thuốc L.G, Tân Mai, Hà Nội cho biết hầu hết nhân viên bán thuốc đều được tập huấn của các công ty dược về cách tư vấn thuốc. Hơn nữa, việc đọc đơn thuốc của bác sĩ thành quen nên nhân viên bán thuốc cũng có thể đoán bệnh để bán thuốc. Chị Thùy cười “có khi nhân viên bán thuốc còn kê đơn chuẩn hơn cả bác sĩ. Nếu cấm cửa hàng thuốc bán thuốc kháng sinh, bán thuốc phải có đơn thuốc của bác sĩ các nhà thuốc chết đói”.
Chị Thùy cho biết bán thuốc và tư vấn sử dụng thuốc hiệu quả là tôn chỉ của các nhà thuốc vì thế đôi khi tư vấn còn mang nặng tính lợi nhuận. Không chỉ thế, các công ty dược, dược trình viên còn thường tổ chức các buổi tập huấn về cách “kê đơn” cho nhân viên bán thuốc.