Nhà máy điện hạt nhân nổi đầu tiên trên thế giới chính thức vận hành thương mại
Hôm 22/5, nhà máy điện hạt nhân nổi (FNPP) Akademik Lomonosov đầu tiên trên thế giới chính thức được đưa vào vận hành thương mại ở Nga.
Nhà máy điện hạt nhân nổi Akademik Lomonosov của Nga. (Ảnh: RIA) |
RIA trích dẫn thông cáo báo chí của Rosenergoatom - Công ty điện lực trực thuộc Tập đoàn Năng lượng Nguyên tử Quốc gia Nga (Rosatom) cho biết, một sự kiện lịch sử đã diễn ra trong ngành năng lượng hạt nhân thế giới: Nhà máy điện hạt nhân nổi đầu tiên Akademik Lomonosov được chính thức đưa vào hoạt động thương mại ở Nga. Nhà máy điện hạt nhân bao gồm tổ máy nổi Akademik Lomonosov và các cấu trúc thủy lực trên bờ.
Tổng giám đốc Rosenergoatom, ông Andrei Petrov cho biết, từ hôm nay, dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân nổi ở thành phố Pevek của Khu tự trị Chukotka có thể được coi là đã hoàn tất thành công. Nhà máy điện hạt nhân nổi đã trở thành nhà máy điện hạt nhân được khai thác công nghiệp thứ 11 tại Nga và nó sẽ được hoạt động ở vùng Bắc Cực.
Theo đó, khi các tổ máy đã lỗi thời của nhà máy điện nguyên tử Bilibino và nhà máy điện chạy than Chaun ở Pevek không còn hoạt động, nhà máy điện hạt nhân nổi Akademik Lomonosov sẽ thay thế và trở thành nguồn cung cấp năng lượng chính cho Chukotka. Akademik Lomonosov dự kiến sẽ cung cấp đủ điện năng cho khoảng 100.000 người, giúp tiết kiệm 200.000 tấn than và 100.000 tấn nhiên liệu mỗi năm.
Ngoài ra, Akademik Lomonosov dự kiến sẽ trở thành một trong những yếu tố cơ sở hạ tầng quan trọng trong sự phát triển của Tuyến đường biển phía Bắc của Nga để đảm bảo hỗ trợ việc phá băng quanh năm.
Đồng thời, Akademik Lomonosov cũng có thể được sử dụng như một nhà máy khử muối với công suất 240.000 m3 nước ngọt/ ngày. Thời gian hoạt động ước tính khoảng 40 năm, thậm chí có thể kéo dài tới 50 năm và có thể hoạt động không ngừng trong 3-5 năm mà không cần tiếp nhiên liệu.
Mang tên nhà bác học Nga thế kỷ 18 được khởi công ở Saint Petersburg năm 2006, nhà máy này có hai lò phản ứng KLT-40C, mỗi chiếc có công suất 35 MW gần tương đương công suất của các lò phản ứng được sử dụng trong các tàu phá băng hạt nhân. Nó được đặt trên một con thuyền dài 144 mét và rộng 30 mét, có trọng lượng nước rẽ 21.000 tấn với thủy thủ đoàn 70 người.
Được biết, kể từ sau nhà máy điện hạt nhân Obsnink nối lưới điện đầu tiên trên thế giới vào năm 1954, Rosatom lại tiên phong trong việc phát triển và xây dựng một hình mẫu nhà máy điện mới.
Theo các nguồn tin, dự kiến Rosatom muốn xây dựng ít nhất 7 nhà máy điện hạt nhân nổi như Akademik Lomonosov. Hiện nay họ đang thiết kế và chế tạo các thùng lò của nhà máy điện hạt nhân nổi thế hệ thứ hai với mục tiêu để chúng nhỏ hơn và chắc chắn hơn.
Trước đó, công tác thử nghiệm toàn diện nhà máy điện hạt nhân nổi Akademik Lomonosov được bắt đầu từ cuối tháng 11/2018. Vào ngày 19/12/2019, nhà máy điện hạt nhân nổi Akademik Lomonosov đã bắt đầu nối lưới điện để cung cấp điện năng cho vùng Chaun-Bilibino hẻo lánh ở Pevek, Viễn Đông của Nga.
Thanh Bình (lược dịch)