Nhà giàu “vượt khó” mùa dịch, nghìn tỷ ùn ùn chảy vào túi
Nửa sau của tháng 8 trùng với thời điểm tháng 7 âm lịch, hay còn gọi là tháng Cô hồn theo quan niệm dân gian. Mặc dù vậy các tỷ phú trên thị trường chứng khoán vẫn có một tháng 8 bội thu xét về giá trị tài sản.
Nhà giàu “vượt khó” mùa dịch, tiền cứ ùn ùn chảy vào túi |
Tháng 8 qua đi với 21 phiên giao dịch của thị trường chứng khoán, VN-Index tăng 93,34 điểm (11,69%) lên 891,73 điểm. Đồng thời, top 5 người giàu nhất sàn chứng khoán cũng bỏ túi hàng nghìn tỷ đồng nhờ giá trị cổ phiếu tăng lên.
Đầu tiên phải kể đến tỷ phú Phạm Nhật Vượng – Chủ tịch Tập đoàn Vingroup (VIC). Ông Vượng đã bỏ túi 4.800 tỷ đồng trong tháng 8 nhờ việc giá trị cổ phiếu VIC tăng 2,86% lên 90.000 đồng/cp. Sau khi kết thúc tháng 8, giá trị tài sản của ông Vượng đạt 172.500 tỷ đồng.
Ngày 28/8 vừa qua, Vingroup đã có giải trình báo cáo tài chính riêng, hợp nhất giữa niên độ năm 2020. Lợi nhuận sau thuế 6 tháng đầu năm tại báo cáo tài chính riêng lẻ đạt 4.019 tỷ đồng, tăng 154,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, lợi nhuận sau thuế hợp nhất lại giảm 58,8%, đạt 1.401 tỷ đồng.
Theo giải trình, lợi nhuận báo cáo tài chính riêng tăng 154,3% chủ yếu do doanh thu hoạt động tài chính tăng 5.407 tỷ đồng, tương ứng 178,7% so với cùng kỳ năm trước chủ yếu do lãi từ chuyển nhượng các khoản đầu tư tài chính.
Trong khi đó, lợi nhuận sau thuế hợp nhất giảm 58,8% chủ yếu do: lợi nhuận gộp về bán hàng và cung cấp dịch vụ giảm 12.156 tỷ đồng (69,2%) do ảnh hưởng của Covid-19; chi phí tài chính tăng 2.656 tỷ đồng (74,9%) do chi phí lãi vay tăng.
Sau ông Phạm Nhật Vượng, người giàu thứ hai trên sàn chứng khoán là nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo cũng bất ngờ có thêm 1.900 tỷ đồng trong tháng 8 nhờ việc cổ phiếu HDB của HDBank tăng 18,37% và VJC của Vietjet Air tăng 9%. Kết thúc tháng 8, giá trị cổ phiếu HDB và VJC do bà Thảo nắm giữ đạt mức 21.847 tỷ đồng.
Khối tài sản nói trên của bà Thảo chủ yếu đến từ VJC (20.827 tỷ đồng). Hãng hàng không tư nhân lớn nhất Việt Nam này vừa công bố mức lỗ vận chuyển hàng không 1.440 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm. Mức lỗ này thấp hơn dự kiến 670 tỉ đồng, được đánh giá là tích cực so với các hãng hàng không trên thế giới do ảnh hưởng của đại dịch toàn cầu.
Người giàu thứ ba trong top 5 tỷ phú chứng khoán, ông Trần Đình Long cũng đã bỏ túi hẳn 2 nghìn tỷ đồng trong vòng một tháng qua nhờ cổ phiếu HPG tăng 13%. Bước vào tháng mới, giá trị tài sản của Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát đạt mức 17.185 tỷ đồng, qua đó giúp ông Long vững vàng ở vị trí thứ ba và bỏ xa người đứng thứ tư gần 3 nghìn tỷ đồng.
Tin vui đối với Hòa Phát là Thủ tướng Chính phủ mới đây đã yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét, quyết định gia hạn thời hạn sử dụng khu vực biển cho Công ty cổ phần Thép Hòa Phát Dung Quất.
Công ty Cổ phần Thép Hòa Phát Dung Quất được thành lập tháng 2/2017, vốn điều lệ 30.000 tỷ đồng và là chủ đầu tư xây dựng, vận hành khu liên hợp sản xuất Gang thép Hòa Phát tại khu kinh tế Dung Quất, tỉnh Quảng Ngãi. Dự án có tổng công suất lên đến 4 triệu tấn/năm. Đây là dự án chiến lược quan trọng, đảm bảo vị thế nhà sản xuất thép hàng đầu khu vực Đông Nam Á cho Tập đoàn Hòa Phát.
Trong khi đó, người đứng thứ tư trong top 5 là Chủ tịch Techcombank Hồ Hùng Anh. Kết thúc tháng 8, ông Hùng Anh có thêm 1.200 tỷ đồng trong khối tài sản trị giá 14.438 tỷ đồng nhờ việc TCB và MSN đều tăng giá trong tháng 8, mức tăng lần lượt 17,33% và 8,9%.
Đó cũng là lý do khiến người cuối cùng trong top 5, tỷ phú Nguyễn Đăng Quang có thêm 1.164 tỷ đồng, nâng tổng giá trị cổ phiếu TCB và MSN do Chủ tịch Masan Group nắm giữ lên mức 14.070 tỷ đồng.
Thông tin đáng chú ý nhất về Masan trong tháng 8 là việc tăng vốn điều lệ lên 11.746 tỷ đồng, tăng thêm 57 tỷ đồng so với vốn điều lệ cũ.
Hiền Anh
Lấy lại nghìn tỷ, "sao đổi ngôi" trong Top 5 tỷ phú Việt
Tuần biến động của tỷ phú top 5 người giàu nhất, trong khi ông Hồ Hùng Anh lấy lại gần nghìn tỷ, quay lại vị trí thứ tư, vị trí thứ 5 của ông Bùi Thành Nhơn đang bị đe dọa bởi vua hàng tiêu dùng Nguyễn Đăng Quang