Nguyên nhân không ngờ khiến người phụ nữ bị to bụng bất thường
Theo bác sĩ Đặng Ngọc Tuyên, Khoa Ngoại tổng hợp, Bệnh viện Lê Văn Thịnh (TP.HCM), bệnh nhân là bà C.T.H.D (50 tuổi, ngụ tại Cà Mau). Cách thời điểm nhập viện 1 tháng, bà đau âm ỉ khắp bụng kèm buồn nôn, nôn nhiều lần, tiêu lỏng, bụng cứ thế to dần lên.
Người phụ nữ này cho biết bà bị báng bụng tương tự nhiều lần trong khoảng 15 năm qua nhưng điều trị không dứt. Các đợt bệnh cách đây 15 năm, 10 năm, 8 năm và 4 năm.
Lần này, bà cũng đến các bệnh viện tại Cà Mau và Cần Thơ khám, uống thuốc nhưng không giảm. Cuối tháng 2, bà nhập khoa Cấp cứu, Bệnh viện Lê Văn Thịnh với tình trạng bụng báng lượng nhiều, nôn ói, tiêu chảy, đau.
Bệnh nhân được chuyển lên khoa Nội tổng hợp với chẩn đoán viêm dạ dày cấp. Đồng thời, bác sĩ chỉ định tiến hành các xét nghiệm sinh hóa máu, chẩn đoán hình ảnh như siêu âm, CT scan, chọc dịch màng bụng phân tích, nuôi cấy, xét nghiệm lao.
Kết quả xét nghiệm cho thấy có tình trạng tăng bạch cầu ái toan trong dịch màng bụng lẫn trong máu ngoại vi. Hình ảnh học cho thấy dịch ổ bụng lượng nhiều kèm tình trạng viêm các quai ruột. Quá trình điều trị, bệnh nhân ít đáp ứng. Tình trạng bụng báng to khiến bà tức ngực, khó thở, tiêu chảy và đau bụng tiếp diễn.
Bác sĩ Tuyên cho hay rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng báng bụng nên phải tiến hành nhiều xét nghiệm về lao, ung thư, ký sinh trùng. Bên cạnh đó, người bệnh có nhiều yếu tố gây nhiễu thông tin, bệnh cảnh lâm sàng đặc biệt. Thông tin các đợt điều trị trước được bệnh nhân cung cấp khá rời rạc vì đã lâu.
Riêng hồ sơ tại Bệnh viện Lê Văn Thịnh cho thấy, 4 năm trước, bà Dung đã phẫu thuật nội soi thám sát ổ bụng sinh thiết, cắt túi mật, xét nghiệm có giun đũa chó. Các bác sĩ không loại trừ nguyên nhân bà bị tái phát ký sinh trùng này dẫn đến báng bụng, nôn ói.
Đúng như nghi vấn, ngày 3/3, kết quả xét nghiệm kí sinh trùng xác nhận bệnh nhân dương tính với giun đũa chó (Toxocara Canis). Nhờ vậy, bác sĩ tiến hành phối hợp điều trị kháng viêm và thuốc điều trị giun đũa chó theo phác đồ. Tình trạng người bệnh tốt lên nhanh chóng và xuất viện sau hơn 2 tuần.
Theo bác sĩ Tuyên, đây là tình trạng ký sinh trùng lạc chỗ. Người nhiễm bệnh giun đũa chó có thể do ăn rau sống chưa được rửa sạch, hoặc lây qua đường phân - miệng. Nếu ký sinh trùng lạc vào não, người bệnh có thể bị viêm não, viêm màng não, hoặc ký sinh ở tim gây viêm cơ tim, tràn dịch tim…
Theo Viện sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng TP.HCM, việc tiếp xúc thường xuyên với những động vật nuôi trong nhà như chó mèo sẽ dẫn đến nguy cơ nhiễm bệnh giun đũa chó/mèo, nguy cơ nhiễm giun đũa chó cao hơn. Tuy nhiên, khi lạc vật chủ sang người, chúng không phát triển thành giun trưởng thành nên phải dựa vào xét nghiệm máu chẩn đoán.
Triệu chứng thường gặp là sốt nhẹ thoáng qua, ăn ít, gầy yếu, tiêu chảy, buồn nôn, đau người, mệt mỏi, khó thở nhẹ hoặc ho có đờm… Khi ấu trùng chết, các dấu hiệu thường tự hết sau khoảng vài tuần.
Bệnh ở người lớn đôi khi không có triệu chứng hoặc có các dấu hiệu mờ nhạt như sốt nhẹ, mệt mỏi, mẩn ngứa, khó thở dạng suyễn và viêm phổi, giảm thị lực một mắt, gan lách to, nổi hạch... Bệnh cũng có thể biểu hiện ở khớp, cơ, da, tim hoặc tổn thương thần kinh trung ương do ấu trùng xâm nhiễm.
Linh Giao