Nguyên nhân khiến thu nhập của 1/3 người châu Âu giảm
Thu nhập của 39% cư dân các nước Liên minh châu Âu (EU) đã giảm do cuộc khủng hoảng kinh tế do đại dịch Covid-19 gây ra.
Dữ liệu trên được tính theo sau một cuộc thăm dò được công bố trên trang web của Nghị viện Châu Âu hôm 20/11.
Theo cuộc khảo sát, gần 40% người châu Âu cho biết thu nhập bị giảm trong thời kỳ đại dịch, 27% khác trong số những người được khảo sát tin rằng tình hình tài chính của họ sẽ trở nên tồi tệ hơn trong tương lai.
Những người được hỏi cũng đánh giá các hoạt động của Liên minh châu Âu. Theo đó, 41% người được hỏi đánh giá tích cực về hành động của Liên minh châu Âu. Trước đó, vào tháng 5, chỉ có 31% người được hỏi đánh giá tích cực về Liên minh châu Âu. 21% người được hỏi không hài lòng với hoạt động của Liên minh châu Âu, vào tháng 5 con số này là 28%.
Thu nhập của 39% người châu Âu giảm do đại dịch Covid-19. (Ảnh: Izvestia) |
Trong khi đó, hơn 60% tin tưởng rằng Liên minh châu Âu sẽ nhận được nhiều quyền lực hơn để đối phó với các tình huống khủng hoảng như đại dịch Covid-19. Ngoài ra, đa số ý kiến cũng đồng ý với việc Liên minh châu Âu tăng tài trợ để chống lại đại dịch.
Những người được hỏi lưu ý, các chính phủ nên chuyển nguồn ngân sách cho các hệ thống y tế quốc gia, phục hồi kinh tế và tạo ra các cơ hội kinh doanh mới.
Cuộc khảo sát do công ty Kantar của Anh thực hiện từ ngày 15/9 đến ngày 7/10. Hơn 24 nghìn người từ 27 quốc gia thuộc Liên minh Châu Âu đã tham gia.
Trước đó, vào tháng 5, gần 60% cư dân của các nước EU cho biết họ gặp khó khăn về tài chính do hậu quả của đại dịch Covid-19 và các biện pháp kiểm dịch để ngăn chặn nó.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thống kê tuần qua châu Âu ghi nhận hơn 29.000 ca tử vong do Covid-19, tức cứ 17 giây có một người chết.
Tiến sĩ Hans Kluge, giám đốc WHO khu vực châu Âu, hôm 19/11 cho biết 53 quốc gia tại lục địa này đã ghi nhận hơn 15,7 triệu ca mắc Covid-19, với 4 triệu ca trong tháng 11 và gần 350.000 người tử vong.
Chỉ riêng trong tuần qua, hơn 29.000 người tử vong ở châu Âu. Khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất là Italy và Pháp. Mỗi nước ghi nhận trung bình 590 người tử vong mỗi ngày.
Tại Đức, giới chức y tế nhận định mặc dù số ca nhiễm Covid-19 mới vẫn còn tăng ở mức cao song đã có những dấu hiệu cho thấy việc điều chỉnh các biện pháp phòng chống của Chính phủ Đức hồi đầu tháng này đang dần phát huy tác dụng.
Người đứng đầu Viện về các bệnh truyền nhiễm Robert Koch (RKI) của Đức Lothar Wieler cho biết, số ca nhiễm mới tính theo ngày đã ổn định ở mức cao trong hai tuần qua và không có dấu hiệu tăng thêm.
Theo ông Wieler, việc tái áp đặt các biện pháp phong tỏa từng phần hôm 2/11 đang có tác dụng, đồng thời hy vọng với tình hình như hiện nay, tỷ lệ lây nhiễm Covid-19 sẽ sớm bắt đầu theo chiều hướng giảm dần.
Tuy vậy, ông Wieler một lần nữa nhấn mạnh tình hình dịch Covid-19 ở Đức hiện vẫn “rất nghiêm trọng” với số ca nhiễm mới ở mức quá cao, do đó ông yêu cầu người dân không chủ quan và tiếp tục tuân thủ nghiêm túc các biện pháp phòng dịch.
Báo Đức nói về ‘trận chiến quyết định’ của Nord Stream 2
Mới đây, tờ Die Welt của Đức đã nhắc đến viễn cảnh của một “trận chiến quyết định” đối với đường ống dẫn khí đốt của Nga.
Thanh Bình (lược dịch)