Người giàu Trung Quốc rủ nhau 'sơ tán tài sản' ra nước ngoài
Bắc Kinh đang cố gắng tăng tiêu dùng và các dịch vụ nội địa, giảm phụ thuộc vào xuất khẩu. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc gần đây đã cam kết sẽ áp dụng những chính sách thuế và chi tiêu xã hội để thu hẹp khoảng cách chính trị nhạy cảm giữa tầng lớp thượng lưu và những người nghèo.
Ông Chen Kunde, giám đốc kinh doanh quản lý tài sản của ngân hàng China Merchants cho biết: “Thái độ của các nhà đầu tư đang bị ảnh hưởng bởi môi trường chính trị và những thay đổi có thể xảy ra đối với các chính sách thuế. Họ đang quan tâm đến việc bảo vệ tài sản sẵn có hơn là tìm cách thu được thêm nhiều lợi nhuận”.
Cũng theo báo cáo này, số người Trung Quốc có ít nhất 10 triệu nhân dân tệ (tương đương 1,6 triệu USD) đã tăng chậm lại từ năm 2010 đến 2012. Trong 2 năm này, chỉ tăng 18%, tương đương với 700.000 người, giảm so với tốc độ tăng trưởng 29% trong giai đoạn 2008-2010.
Nguồn gốc sinh ra giới tài chính giàu có của Trung Quốc thay đổi nhiều trong hai thập kỷ qua khi các lĩnh vực từ bất động sản tới Internet và nước giải khát, phát triển.
Gần đây, các doanh nhân Trung Quốc cũng đã gặp nhiều khó khăn khi chính phủ đưa ra những thay đổi chính sách nhằm kiếm chế việc tăng giá nhà đất của Bắc Kinh.
Gần 60% số người được khảo sát có vốn đầu tư nước ngoài cho biết họ đang có kế hoạch tăng lượng đầu tư này. Bất động sản chiếm phần lớn và Hoa Kỳ, Canada, Hồng Kông, Singapore là những quốc gia đang thu hút được nhiều sự quan tâm nhất.
Một nửa trong số những người chưa đầu tư ra nước ngoài đang có kế hoạch thực hiện việc này.
Bắc Kinh cũng đang khuyến khích các công ty và hộ gia đình đầu tư ở nước ngoài để đa dạng hóa nền kinh tế. Dòng tiền chảy ra nước ngoài đang được kiểm soát chặt chẽ nhưng hạn chế đối với các nhà đầu tư cá nhân đang dần được gỡ bỏ.
Năm 2009, China Merchants Bank và Bain & Company gây ra một sự khuấy động lớn khi báo cáo có tới 60% người giàu Trung Quốc đã làm xong thủ tục hoặc đang xem xét "nhập cư đầu tư", một chính sách cho nhập cư tạm thời hoặc vĩnh viễn của một số quốc gia nhằm thu hút các nhà đầu tư.
Đa số người dân Trung Quốc di cư với lý do đầu tư, lao động và du học. Có tới 27% số người có tài sản trên 100 triệu nhân dân tệ (khoảng 16 triệu USD) đã di cư ra nước ngoài, trong khi 47% khác cũng đang tính tới chuyện di cư.
Bên cạnh việc muốn bảo vệ tài sản, thiếu an toàn thực phẩm, ô nhiễm môi trường cũng là một trong số những lý do khiến những người giàu có ở Trung Quốc muốn rời bỏ đất nước này.