Người dân từ Đà Nẵng trở về hơn 1 tháng có cần xét nghiệm PCR?
Đến nay Hà Nội còn hơn chục nghìn người đi từ Đà Nẵng về từ tháng 7 nhưng chưa được xét nghiệm PCR. Theo chu trình ủ bệnh và lây nhiễm có thể đã quá thời gian “vàng” để tìm người mang virus.
Nhiều ý kiến cho rằng người dân về từ Đà Nẵng ngày 15/7 đến đầu tháng 8 vẫn chưa được xét nghiệm hoặc đã test nhanh âm tính nhưng chưa được làm xét nghiệm PCR đến nay đã quá 1 tháng họ không cần làm PCR vì PCR chuẩn nhất khi có virus hoạt động ở hầu họng.
Về vấn đề này, TS.BS Vũ Minh Điền - Trưởng phòng Quản lý Chất lượng, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết với những người này thì vẫn cần phải làm xét nghiệm để sàng lọc nguy cơ nhiễm Covid-19. Các bác sĩ sẽ chỉ định làm xét nghiệm PCR dịch hầu họng kết hợp với xét nghiệm tìm kháng thể với SARS-CoV-2 để xác định còn mang virus trong người hay không, và nếu đã nhiễm bệnh và thải loại hết virus thì đã có kháng thể với SARS-CoV-2 hay chưa.
Ảnh xét nghiệm PCR cho người dân Hà Nội. |
Hiện Hà Nội đã có bệnh nhân là người lành mang trùng không có triệu chứng như bệnh nhân 979. Bệnh nhân hoàn toàn khoẻ chỉ được làm xét nghiệm PCR sàng lọc nhưng phát hiện dương tính.
Hay tại Quảng Nam cũng có ca bệnh là nhân viên của trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Nam đi Đà Nẵng về từ 11/7 nhưng xét nghiệm vẫn dương tính với virus SARS-CoV-2. Vì vậy, bác sĩ Điền cho rằng các nghiên cứu đã chỉ ra rằng có tới 60% người nhiễm Covid-19 hoàn toàn không có triệu chứng rõ ràng.
Chính vì vậy việc khai thác kỹ yếu tố dịch tễ và xét nghiệm sàng lọc bằng PCR là xét nghiệm có khả năng phát hiện nhiễm bệnh sớm và có độ nhạy, độ đặc hiệu cao, có ý nghĩa hết sức quan trọng để phát hiện những ca bệnh không có triệu chứng.
Ngoài ra, có một số trường hợp đã ghi nhận nhiễm và còn đào thải virus hoặc vật liệu di truyền của virus đến một vài tháng sau đó (khoảng 10% bệnh nhân có tái dương tính). Đây là lý do trong thời gian dài hơn một tháng vẫn sẽ có những trường hợp được tìm thấy.
Ngoài ra, không loại trừ trường hợp lây chéo từ những người cùng nhóm đi về từ vùng dịch dẫn tới việc cùng một nhóm người nhưng người nhiễm trước người nhiễm sau.
Bác sĩ Điền cho biết những người đi từ Đà Nẵng về cần nhanh chóng liên hệ cơ quan y tế để được xét nghiệm tránh bỏ sót.
Ngoài ra, những người chưa được xét nghiệm hoặc xét nghiệm âm tính vẫn nên tuân thủ cách ly đảm bảo an toàn cho chính mình và cộng đồng.
Những người sau khi lấy mẫu, kết quả xét nghiệm PCR âm tính nhưng trong thời gian trước khi được lấy mẫu có tiếp xúc với những người khác thì vẫn phải dặn họ nếu có bất cứ triệu chứng sốt, ho, khó thở nào cũng cần khai báo y tế và đề nghị được lấy mẫu để tránh trường hợp bỏ lọt sự lây nhiễm trong giai đoạn chưa được xét nghiệm.
TS Điễn khuyến cáo người dân, virus SARS-CoV-2 lây bệnh chủ yếu qua đường hô hấp và có thể lây qua đường tiếp xúc với các bề mặt. Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng virus này có thể tồn tại trên các bề mặt bao bì từ 12 đến 24 tiếng ở nhiệt độ trung bình. Để ngăn chặn sự lây nhiễm người dân tuân thủ đeo khẩu trang, thường xuyên vệ sinh tay bằng các dung dịch sát khuẩn; hạn chế tối đa thói quen đưa tay lên mắt mũi.
Khánh Chi