Người dân Qatar “dọn sạch” lương thực trong siêu thị khi bị Ả Rập tẩy chay
Giỏ xe đẩy siêu thị của mọi người đều chất đầy sữa, nước, gạo, trứng và các nhu yếu phẩm khác. “Tôi chưa bao giờ thấy cảnh tượng này trước đây”, một trong số những khách hàng tại siêu thị Villaggio tại Qatar cho biết.
Người dân Qatar đổ xô đi tích trữ lương thực. |
Hiện tượng này xảy ra sau khi Ả Rập Xê út tuyên bố nước này đã đóng cửa biên giới với Qatar. Gần 40% số lương thực của Qatar đều được nhập khẩu từ biên giới Ả Rập Xê út, và điều này đang khiến Qatar gặp rất nhiều khó khăn.
Là một quốc gia có phần lớn lãnh thổ là sa mạc, Qatar chỉ có thể sản xuất dưới 10% số lương thực mà người dân nước này tiêu thụ. Năm 2012, 99,5% số lượng ngũ cốc, 83,4% kim ngạch rau các loại, 93,6% thịt, 95% số đậu và 100% dầu ăn của Qatar đều được nhập khẩu từ nước ngoài.
Vào ngày 5/6, một loạt các quốc gia bao gồm Bahrain, Ả Rập Xê út, Ai Cập, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) và Yemen đã đồng loạt cắt đứt quan hệ ngoại giao với Qatar với lý do quốc gia này đang tài trợ các tổ chức khủng bố. Ả Rập Xê út cũng đóng cửa các tuyến đường biển và đường không với Qatar và kêu gọi “các nước anh em hãy thực hiện điều tương tự”.
Ảnh chụp tại một siêu thị ở Qatar sau khi một loạt các nước Vùng Vịnh cắt đứt quan hệ với Qatar. |
Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao Qatar đã đưa ra tuyên bố rằng việc biên giới giữa Qatar và Ả Rập Xê út bị đóng cửa sẽ không ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân. Chính phủ Qatar đã hứa sẽ thực hiện tất cả các biện pháp có thể để ngăn chặn những âm mưu nhằm gây nguy hại đối với xã hội và kinh tế Qatar“.
Theo hãng tin al-Jazeera, rất nhiều xe chở lương thực tới Qatar đang bị chặn lại ở biên giới. Qatar có thể đảm bảo nguồn cung cấp lương thực cho đất nước bằng máy bay và tàu chở hàng trên biển, song điều này sẽ khiến chi phi vận chuyển tăng lên và sẽ kéo theo giá lương thực cũng tăng vọt.
“Nó sẽ gây ra tình trạng lạm phát nghiêm trọng, và sẽ khiến cuộc sống của người dân Qatar bị ảnh hưởng. Nếu giá thành của các loại mặt hàng ở Qatar tăng lên, người dân sẽ gây sức ép đối với hoàng gia Qatar hiện đang lãnh đạo đất nước”, ông Ghanem Nuseibeh, giám đốc công ty tư vấn Cornerstone Global cho biết.
Ông Nuseibeh cũng nói thêm, nhiều người dân Qatar trước đây thường xuyên đi qua biên giới Ả Rập Xê út để có thể mua thức ăn với giá rẻ hơn ở Qatar. Với việc biên giới giữa hai nước bị đóng cửa, việc này giờ đây không còn có thể thực hiện được nữa.