Người dân Pháp bắt đầu bỏ phiếu bầu Tổng thống mới, Châu Âu “nín thở” dõi theo
Theo báo The Guardian, chỉ hai ngày sau khi một phần tử Hồi giáo đã bắn chết một cảnh sát tại đại lộ Champs-Elysees, đã có 47 triệu cử tri Pháp cùng nhau bỏ phiếu để chọn ra người đứng đầu đất nước trong lúc an ninh được thắt chặt.
Các hòm phiếu đang được chuẩn bị tại một địa điểm bỏ phiếu ở Pháp. |
Hai người có tỉ lệ phiếu bầu cao nhất trong vòng bầu cử đầu tiên sẽ được chọn vào vòng bầu cử tiếp theo diễn ra vào ngày 7/5 tới để quyết định ai sẽ là Tổng thống tiếp theo của Pháp.
Một cuộc khảo sát trước thêm cuộc bầu cử cho thấy bốn ứng cử viên dẫn đầu gồm có cựu Bộ trưởng Kinh tế Emmanuel Macron, lãnh đạo đảng Mặt trận Quốc gia cực hữu Pháp Marine Le Pen, chính trị gia nhiều bê bối Francois Fillon và nghị sĩ cực tả Jean-Luc Melenchon. Cả 4 người đều có tỉ lệ ủng hộ rất sít sao.
Cuộc khảo sát này được coi là phép thử quan trọng sau khi Anh bỏ phiếu ủng hộ Brexit và ông Donald Trump được bầu làm Tổng thống Mỹ. Cả bà Le Pen và ông Melenchon đều bày tỏ quan điểm đàm phán với Châu Âu về quan hệ của Pháp với họ và có thể sẽ tổ chức trưng cầu dân ý để lấy ý kiến về việc Pháp rời khỏi EU. Bà Le Pen muốn Pháp từ bỏ dùng đồng euro và quay trở lại dùng đồng franc như trước đây.
Thị trường tài chính Pháp cũng trải qua giai đoạn rất căng thẳng do cuộc bầu cử Tổng thống khi lo ngại rằng Pháp có thể sẽ rơi vào vỡ nợ nếu phe cực hữu hoặc cực tả lên ngôi. Tuy vậy Pháp sẽ tổ chức một cuộc bầu cử quốc hội vào tháng 6 tới, và nếu như không có sự đồng ý của đa số đại biểu, quyền hạn của tân Tổng thống Pháp có thể sẽ bị giới hạn.
Khác với bà Le Pen và ông Melenchon, ông Macron bày tỏ mong muốn khôi phục lại hệ thống chính trị yếu kém cảu Pháp và là một người ủng hộ Châu Âu. Trong khi đó, ông Fillon mặc dù đang gặp khó khăn sau bê bối cung cấp việc làm bù nhìn cho vợ của mình trong đảng của ông, đã hứa với cử tri sẽ tiến hành một cuộc cải cách kinh tế triệt để. Ông cũng là người ủng hộ EU.
Các vùng lãnh thổ tách biệt của Pháp cũng như cộng đồng người Pháp ở Mỹ và Canada đã tiến hành bỏ phiếu vào ngày 22/4 để tránh bị ảnh hưởng bởi kết quả cuộc bầu cử tại quê hương. Kết quả của cuộc bầu cử dự kiến sẽ được công bố vào lúc 1 giờ sáng ngày 24/4 (giờ Việt Nam).
Đã có hơn 50.000 cảnh sát và 7.000 binh sĩ được điều động làm nhiệm vụ gìn giữ an ninh trong ngày bầu cử tại Pháp. Trong vòng 18 tháng qua đất nước đã luôn được đặt trong tình trạng khẩn cấp sau một loạt các cuộc tấn công của các phần tử Hồi giáo đã khiến 239 người thiệt mạng kể từ tháng 1/2015 đến nay.
Sau vụ việc một cảnh sát Pháp bị một phần tử khủng bố bắn chết, bà Le Pen đã khẳng định mình là một ứng cử viên có quan điểm cứng rắn đối với các phần tử Hồi giáo, đồng thời kêu gọi Pháp giành lấy quyền kiểm soát biên giới của mình khỏi EU ngay lập tức và trực xuất những người bị nghi tham gia khủng bố khỏi đất nước.
Ông Fillon cũng hứa sẽ sử dụng biện pháp “bàn tay sắt” và nói rằng một số chính trị gia “vẫn chưa hiểu hết sự tàn độc của chủ nghĩa khủng bố”. Trong khi đó, ông Macron chỉ trích các đối thủ của mình đang lợi dụng các cuộc tấn công để gây dựng uy tin của mình và kêu gọi các cử tri không được sợ hãi.
Căng thẳng tại Pháp vẫn còn tiếp tục khi mới đây một người đàn ông dùng dao gây rối trật tự tại ga tàu Gare du Nord tại thủ đô Paris vào ngày 22/4. Cảnh sát cho biết tên này đã nhanh chóng bị bắt và không có ai bị thương.