Người dân Mỹ không muốn tham chiến tại Syria
Nội chiến Syria kéo dài hơn 2 năm qua gây nhiều bất ổn chính trị |
Sự can thiệp quân sự của Mỹ vào Syria hoàn toàn khác với cuộc chiến tiêu diệt khủng bố tại Iraq cách đây 10 năm. Chính sự kiện khủng bố khinh hoàng ngày 11/9/2001 là lý do Mỹ điều quân và rót tiền tham chiến tại Iraq. Đặc biệt, việc tiến hành cuộc tấn công quân sự nhằm vào Syria đang chịu tác động lớn từ hai lãnh đạo hàng đầu của Washington và Mátxcơva.
Không giống như Tổng thống George W. Bush hiếu chiến, Tổng thống Barack Obama đã quyết định tạm hoãn kế hoạch can thiệp quân sự tại Syria để trưng cầu ý kiến Quốc hội Mỹ. Trong khi đó, Tổng thống Nga - Vladimir Putin đang nỗ lực đưa ra các giải pháp hòa bình nhằm ngăn chặn một cuộc chiến có nguy cơ bùng nổ.
Trên tờ The New York Times, nhân sự kiện nước Mỹ tổ chức tưởng niệm 12 năm vụ tấn công khủng bố 11/9, Tổng thống Putin đã kêu gọi người dân Mỹ ủng hộ giải pháp hòa bình tại Syria.
Những lời bình luận của ông Putin về chính sách ngoại giao của Mỹ được đưa ra trong bối cảnh quan điểm của chính phủ Mỹ và Nga đang ngày càng xa cách.
Điển hình, Mỹ cáo buộc Nga vi phạm luật nhân quyền đối với các tù nhân sau cái chết của luật sư Sergei Magnitsky. Đáp trả, Nga đã ban hành luật cấm công dân Mỹ nhận trẻ em Nga làm con nuôi đồng thời cho công bố danh sách những công dân Mỹ liên quan tới các vụ tra tấn dã man trong suốt cuộc chiến chống khủng bố của quốc gia này.
Hôm 11/9, tờ The New York Times dẫn lời Tổng thống Putin cho biết: "Nếu Mỹ tấn công Syria bất chấp sự phản đối mạnh mẽ của nhiều quốc gia, các chính trị gia và cả những nhà lãnh đạo tôn giáo, sẽ khiến càng nhiều dân thường vô tội thiệt mạng và cuộc xung đột tại Syria sẽ ngày càng leo thang mở rộng sang cả những quốc gia láng giềng Trung Đông. Cuộc tấn công này sẽ làm tình hình bạo lực thêm căng thẳng và cơ hội để lực lượng khủng bố trỗi dậy. Nó cũng sẽ làm tiêu tan mọi nỗ lực đa phương trong việc giải quyết vấn đề hạt nhân tại Iran, cuộc xung đột giữa Israel – Palestin, bất ổn chính trị tại Trung Đông và Bắc Phi. Ngoài ra, cuộc chiến này sẽ khiến hệ thống luật pháp quốc tế bị đảo lộn".
Theo ông Putin, không giống như cuộc nội chiến "Mùa xuân Ả Rập" tại Ai Cập, xung đột tại Syria không xuất phát từ quyết tâm đấu tranh vì nền dân chủ. Phe đối lập Syria được gây dựng từ các nhóm vũ trang Hồi giáo cực đoan bao gồm al-Qaeda.
Đặc biệt, Nga lên tiếng khẳng định chính phủ Syria không sử dụng các loại vũ khí hóa học mà chính các nhóm nổi dậy là thủ phạm gây ra vụ thảm sát dân thường tại ngoại ô thủ đô Damascus hôm 21/8.
Khi tình hình căng thẳng về việc có hay không tiến hành can thiệp quân sự nhằm vào Syria, Tổng thống Putin đã tiết lộ thêm thông tin về khả năng một số nhóm vũ trang cực đoan chuẩn bị kế hoạch dùng vũ khí hóa học tấn công Israel – điều mà Mỹ không thể chấp nhận được.
Cuộc chiến "Mùa xuân Ả Rập" tại Ai Cập |
Hồi tuần trước, ông Putin đã hối thúc chính phủ Syria chuyển giao các kho vũ khí hóa học cho cộng đồng quốc tế kiểm soát nhằm tránh đối mặt với một cuộc chiến với các đồng minh của Mỹ.
"Theo đề xuất của Nga, Syria sẽ từ bỏ vũ khí hóa học", Bộ trưởng Ngoại giao Syria - Walid Muallem phát biểu trong cuộc phỏng vấn trên kênh truyền hình vệ tinh Al-Mayadeen pan-Arabic tại Beirut.
Đây chính là lý do Tổng thống Obama quyết định trì hoãn kế hoạch tấn công và tiến hành các cuộc thảo luận với ông Putin về phương thức đưa các loại vũ khí hóa học ra khỏi lãnh thổ Syria. Nhằm tránh sa lầy vào một cuộc chiến dai dẳng như tại Iraq, Tổng thống Obama khẳng định ông sẽ không điều động bộ binh tới tham chiến tại Syria.
Vai trò của Tổng thống Putin tại Syria ngày càng được khẳng định khi Washington đưa các chuyên gia vũ khí hóa học cùng Ngoại trưởng John Kerry tới Geneva hôm 12/9 để thảo luận về vấn đề Syria với Nga. Trong khi đó, dưới thời Tổng thống Bush, các cuộc thảo luận chỉ được tổ chức khi 2 bên đã phê chuẩn một hiệp định chung.
Ngoài ra, Tổng thống Putin còn chỉ trích lối văn hóa chính trị của Mỹ trước các vấn đề tại Trung Đông: "Điều đáng báo động là hành động can thiệp quân sự vào các cuộc nội chiến tại nước ngoài đang trở thành chuyện thường ngày của Mỹ. Đây là lợi ích lâu dài của Mỹ chăng? Tôi nghi ngờ điều đó. Hàng triệu người trên khắp thế giới đang coi Mỹ không phải là một mô hình quốc gia dân chủ mà chỉ dựa vào sức mạnh của đội quân hung bạo và các đồng minh với khẩu hiệu "Sát cánh cùng chúng tôi hoặc Chống lại chúng tôi"".