Người cầu toàn thường dễ mắc 'tâm thần'?
Theo các bác sĩ, những người cầu toàn quá thường cố gắng hoàn thành nhiệm vụ với hiệu quả 100% và khi không đạt được họ hay rơi vào tình trạng rối loạn lo âu.
Nhầm với tiền mãn kinh, thiếu máu não
Chị Ng.T.H. (37 tuổi, trú tại Hà Nội) vài tháng gần đây chị thấy mình hay mệt mỏi, huyết áp không ổn định lúc cao, lúc thấp, chân tay lạnh, hay đổ mồ hôi. Lúc đầu, chị H. còn nghĩ tới khả năng tiền mãn kinh, tuy nhiên, khi đi kiểm tra thì hoàn toàn không có dấu hiệu của tiền mãn kinh.
Sau nhiều lần đi khám đa khoa, chị H. vẫn không tìm ra bệnh. Người cảm giác luôn mệt mỏi, nhất là về chiều, đau đầu không ngưng. Chị còn sợ hãi có u não nhưng chụp MRI não cũng không có dấu hiệu.
Cuối cùng, bác sĩ khuyên chị H. đi kiểm tra sức khoẻ tâm thần. Nghe nói tới bệnh tâm thần, chị H. càng lo lắng và quả quyết mình không bị tâm thần, không phải vào bệnh viện tâm thần.
Tuy nhiên, tình trạng ngày càng mệt mỏi,nặng nề nên chị H. đã quyết định đến bệnh viện khám. Sau khi khám và tư vấn kỹ càng, bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị lo âu lan toả. Và thời gian điều trị kéo dài từ 9 tháng tới 1 năm.
Khi tiếp xúc với bệnh nhân, bác sĩ thấy rằng chị H. là người ham công việc và luôn luôn cầu toàn. Chị rất sợ bị người khác không công nhận khả năng của mình nên luôn không cho mình thất bại, dẫn tới quá tải.
Suốt 3 tháng giãn cách xã hội, chị Đỗ Hải L. (trú tại Bình Tân TP.HCM) rơi vào tình trạng thường hay mệt mỏi, chóng mặt, không có tâm trí làm việc. Chị L. còn nghĩ rằng mình bị rối loạn tiền đình. Tuy nhiên, khi đi khám thì hoàn toàn không phải rối loạn tiền đình mà bệnh lý tâm thần khác đó là rối loạn lo âu. Qua khai thác, bản thân chị L. cũng luôn luôn cảm thấy cuộc sống của mình không như ý. Giãn cách xã hội khiến công việc của chị không đạt được 100% như chị mong muốn.
TS BS Ngô Tích Linh – Trưởng Bộ môn Tâm thần, Trường Đại học Y Dược, cho biết trong thời gian đại dịch vừa qua, vấn đề liên quan tới các bệnh rối loạn lo âu tăng lên rất nhiều. Tại Mỹ, người ta nghiên cứu cứ 10 người sẽ có 4 người rơi vào lo âu trong đại dịch.
Ảnh minh hoạ. |
Triệu chứng của rối loạn lo âu
Triệu chứng của cơ thể lo lâu: bệnh nhân run co rúm, đau lưng, đau đầu, căng cơ, thở nông, tăng thông khí, mệt, giật mình, dị cảm, khó nuốt. Tăng hoạt động hệ thần kinh tự trị như đỏ mặt hoặc tái xanh, đổ mồ hôi, tim đập nhanh, huyết áp không đều, trống ngực, lạnh tay, tiêu chảy, khô miệng, tiểu nhiều lần.
Đặc biệt, TS Linh cho biết với bệnh nhân huyết áp không ổn định cần kiểm soát lo lâu.
Một số trường hợp thì thường xuyên bị chóng mặt. Triệu chứng chóng mặt gây ra sai sót trong chẩn đoán rối loạn lo âu. Mọi người hay gán ghép cho nó là thiếu máu não hoặc rối loạn tiền đình giống như trường hợp bệnh nhân Hải L.
Với những người bị lo âu lan toả, người bệnh sẽ có các triệu chứng lo âu lo lắng về các sự kiện công việc, bất an, dễ mệt mỏi nhất là mệt mỏi về lúc buổi chiều, khó tập trung, đầu óc trống rỗng, dễ bị kích thích, dễ gây gổ, khó chịu với kích thích từ bên ngoài, Rối loạn giấc ngủ, ngủ không ngon, khó ngủ. Tình trạng căng cơ nhất là cơ gáy, cơ đầu gây cho người bệnh triệu chứng đau đầu.
Lo âu lan toả khác hoàn toàn với trầm cảm – TS linh cho biết. Nếu không chẩn đoán đúng khó điều trị hơn. Mặc dù, lo âu và trầm cảm hay đi kèm với nhau nhưng điều trị lo âu vất vả hơn trầm cảm rất nhiều. Người thầy thuốc làm sao phải giúp người bệnh giải toả các vấn đề căng thẳng.
Người thầy thuốc phải lấy người bệnh làm trung tâm. Tăng cường tính độc lập cho người bệnh để người bệnh thấy được giá trị rõ ràng của mình, phá vỡ hành vi tránh né của người bệnh. Kiểm soát stress và trị liệu bằng thuốc.
Hướng dẫn người bệnh kỹ thuật thư giãn, rất đơn giản đó là thở sâu, tập thở để kiểm soát nhịp thở, giúp người bệnh đương đầu với khó khăn để hoà hợp với cuộc sống.
Những bệnh nhân lo âu luôn có cảm giác mình không là gì cả nếu không được công nhận, nên người bệnh luôn luôn làm hài lòng mọi người dẫn tới tình trạng quá tải, lo âu. Người bệnh luôn chỉ muốn thành công và nếu gặp sai lầm là coi như thất bại, người lo âu thường hay cầu toàn, nhìn nhận vấn đề lệch lạch nên cảm thấy tình trạng bệnh trầm trọng hơn.
Các bác sĩ tuỳ vào từng bệnh nhân để có thể cho sử dụng thuốc điều trị. Khi dùng thuốc cần cá thể hoá từng người.
BS Linh cho rằng nếu gặp các triệu chứng trên, người bệnh cần cố gắng liên hệ bác sĩ đúng chuyên khoa để được hỗ trợ kịp thời tránh ảnh hưởng tới cuộc sống.
K.Chi