Ngoại trưởng Mỹ rút lại tuyên bố, yêu cầu Triều Tiên ngừng thử vũ khí
Trong một cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc về vấn đề Triều Tiên, ông Tillerson cho biết: “Triều Tiên phải tự mình tìm đường ngồi vào bàn đối thoại. Các hoạt động gây sức ép đối với họ sẽ còn được thực hiện cho đến khi khu vực không còn vũ khí hạt nhân”.
Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson muốn Triều Tiên ngừng thử nghiệm hạt nhân. |
Ông Tillerson trước đó đã bày tỏ hi vọng rằng Mỹ và Triều Tiên có thể thảo luận để giải quyết tình trạng căng thẳng hiện nay khi ông nói Mỹ “sẵn sàng hội đàm bất cứ lúc nào Triều Tiên muốn”.
Tuy nhiên Nhà Trắng không có cùng quan điểm trên của ông Tillerson và nói rằng hiện tại vẫn chưa phải lúc thích hợp để đàm phán. Về phần mình, Đại sứ Triều Tiên tại Liên Hợp Quốc Ja Song-nam cho biết đất nước của ông sẽ không phải mối đe dọa với bất kỳ quốc gia nào trên thế giới, trừ phi lãnh thổ của họ bị xâm phạm.
Ông Ja cũng gọi cuộc họp Hội đồng Bảo an mới đây là “một biện pháp tuyệt vọng do Hoa Kỳ thực hiện bởi họ quá sợ hãi trước sức mạnh mà đất nước chúng tôi đã có được khi vừa đạt được cột mốc lịch sử trong việc phát triển lực lượng hạt nhân”.
Triều Tiên đã tuyên bố rõ ràng rằng họ không muốn đối thoại với Mỹ cho đến khi họ phát triển được tên lửa có thể bắn tới lãnh thổ nước Mỹ với đầu đạn hạt nhân. Từ tháng 4 năm nay, Triều Tiên đã thử nghiệm tên lửa một cách thường xuyên và dừng lại một thời gian sau khi phóng một quả tên lửa qua lãnh thổ Nhật Bản vào tháng 9.
Tuy nhiên vào cuối tháng 11 vừa qua, nước này đã phóng một loại tên lửa đạn đạo xuyên lục địa mới là Hwasong-15. Nó đã bay cao và xa hơn các loại tên lửa trước đây mà Triều Tiên từng thử nghiệm.
Ngoại trưởng Nhật Bản Taro Kono phát biểu trước Hội đồng Bảo an rằng Triều Tiên “chưa bao giờ sẵn sàng” từ bỏ chương trình phát triển tên lửa và đầu đạn hạt nhân và không muốn tham gia bất kỳ cuộc đàm phán nào. Ông nói rằng việc Triều Tiên ngừng phóng thử tên lửa không có nghĩa là nước này đang án binh bất động.
“Kể từ tháng 9, Triều Tiên đã không thử tên lửa trong vòng 75 ngày và nhiều người đã lạc quan tin rằng 75 ngày này là một dấu hiệu tích cực. Tuy nhiên, cuộc phóng thử tên lửa của nước này vào cuối tháng 11 cho thấy rằng Triều Tiên vẫn tiếp tục phát triển vũ khí hạt nhân của mình mặc dù nhìn từ bên ngoài chúng ta nghĩ tình hình đang yên ắng”, ông Kono nói.
Ông Tillerson cũng kêu gọi Trung Quốc và Nga gia tăng sức ép đối với Triều Tiên và không chỉ dừng lại ở việc thực hiện lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc, song hai nước này hiện nay vẫn tỏ ra do dự.
Phó Đại sứ Trung Quốc tại Liên Hợp Quốc Wu Haitao cho biết tất cả các bên phải tuân thủ lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc, song các hành động đơn phương trừng phạt Triều Tiên sẽ ảnh hưởng đến sự đoàn kết của Hội đồng Bảo an và “tổn hại đến quyền lợi của quốc gia khác”. Đại sứ Nga tại Liên Hợp Quốc Vassily Nebenzia cũng có chung quan điểm này.
Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã liên tục nâng mức trừng phạt đối với Triều Tiên từ năm 2006 đến nay do các hoạt động thử nghiệm vũ khí của mình. Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres phát biểu rằng đã đến lúc thiết lập các kênh liên lạc với Triều Tiên để giảm bớt nguy cơ xảy ra hiểu lầm có thể dẫn đến xung đột.