Ngoại trưởng Mỹ: Nga có “60 ngày để tuân thủ thỏa thuận INF”
Phát biểu trước ngoại trưởng các nước NATO vào ngày 4/12, ông Pompeo cho biết Mỹ sẵn sàng bắt đầu tiến trình rời khỏi thỏa thuận INF do Nga đã có những vi phạm rõ ràng.
Ngoại trưởng mỹ Mike Pompeo tuyên bố sẽ không thực thi nội dung INF trong vòng 60 ngày nếu Nga không tuân thủ. |
“Trước tình hình thực tế hiện nay, Hoa Kỳ sẽ tuyên bố rằng Nga vi phạm nội dung hiệp ước và chúng tôi sẽ tự loại mình khỏi văn bản này trong vòng 60 ngày trừ phi Nga tuân thủ trở lại nội dung trong đó”, ông Pompeo nói.
Ngoại trưởng Mỹ cũng cho rằng hành động của Nga “là một trong số những chuỗi hành vi bất hợp pháp” của nước này và Moscow phải “thể hiện sự phục tùng đầy đủ và rõ ràng” trở lại. Ông Pompeo khẳng định Mỹ đang “tuân thủ luật pháp quốc tế” và bị ràng buộc bởi những cam kết quốc tế đang có.
“Khi chúng tôi đề ra những cam kết của mình, chúng tôi đã nhất trí sẽ thực thi nó. Chúng tôi mong đợi điều tương tự từ các đối tác của các hiệp ước quốc tế trên thế giới và chúng tôi sẽ buộc họ phải chịu trách nhiệm khi những lời nói của họ không còn đủ độ tin cậy”, ông nói.
Vào ngày 3/12, ba thượng nghị sĩ đảng Dân chủ là Bob Menendez, Jack Reed và Mark Warner đã chỉ trích quyết định rời bỏ hiệp ước INF của ông Trump, khi họ gọi đây là một “món quà địa chính trị và chiến lược đối với Nga” và rằng nó “đã không được xem xét kỹ lưỡng” và có thể tác động tiêu cực đến các thỏa thuận kiểm soát vũ khí khác mà Mỹ và Nga đã ký kết với nhau.
Mới đây, Mỹ đã liên tục cáo buộc Nga vi phạm hiệp ước INF được ký kết từ hơn 30 năm trước bằng cách chế tạo nhiều loại tên lửa bị cấm. Moscow đáp lại Mỹ đã không tuân thủ nội dung thỏa thuận, khi hệ thống tên lửa được bố trí ở Đông Âu có thể cải tạo để trở thành vũ khí tập kích Nga.
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cũng có phát biểu tương tự ông Pompeo khi ông khẳng định các nước thành viên NATO đều kết luận Nga vi phạm nội dung INF và đang “là mối đe dọa” đối với họ. Ông Stoltenberg nói rằng “sự đoàn kết” của NATO trong vấn đề này đã cho thấy “sức mạnh” của khối quân sự này “và gửi đi một tín hiệu rõ ràng cho thấy ai đã vi phạm hiệp ước”.
Hiệp ước INF đã được Mỹ và Liên Xô cũ ký kết vào năm 1987, trong đó nói rằng các loại tên lửa đạn đạo và hành trình dưới đất có tầm bắn nằm trong phạm vi từ 500 đến 5.500 km đều bị cấm chế tạo, thử nghiệm và sử dụng. Các loại tên lửa trên không và trên biển không bị ảnh hưởng bởi thỏa thuận này, do thời đó Mỹ có những loại tên lửa này nhưng Liên Xô thì không.