Ngoại trưởng Mỹ đã "làm màu" hơi quá trong chuyến thăm Trung Quốc?
Theo chuyên gia của Washington Post, bất chấp những cảnh báo của Mỹ về khả năng tiến hành biện pháp quân sự đối với Triều Tiên, ông Tillerson vẫn nhận được sự chào đón ấm cúng từ Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hôm 19/3 vừa qua trong chuyến công du đầu tiên tới châu Á của ông trên cương vị Ngoại trưởng.
“Ông đã có rất nhiều nỗ lực chủ động để đạt được sự chuyển giao trơn tru trong mối quan hệ song phương dưới kỷ nguyên mới. Và tôi đánh giá cao bình luận của ông rằng mối quan hệ Mỹ - Trung Quốc chỉ có thể được định nghĩa bằng sự hợp tác và tình bạn”, Chủ tịch Tập Cận Bình nói với ông Tillerson trong buổi hội đàm tại Đại lễ đường Nhân dân.
Tuy nhiên, một số nhà chỉ trích cho rằng Ngoại trưởng Mỹ đã làm hơi quá, vào trao cho Bắc Kinh cái mà truyền thông Trung Quốc gọi là “chiến thắng ngoại giao”.
Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson hội kiến Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Bắc Kinh hôm 19/3. Nguồn: AP |
Sau cuộc gặp với Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị hôm 18/3, ông Tillerson đã dùng những lời lẽ “đậm tính Trung Quốc” để nói về mối quan hệ giữa hai nước, bao gồm tránh xung đột và đối đầu, cần thiết phải xây dựng quan hệ “tôn trọng lẫn nhau” cũng như phấn đấu vì sự hợp tác “đôi bên cùng có lợi”.
Cụm từ “tôn trọng lẫn nhau” chính là từ khóa mà theo Bắc Kinh có nghĩa là mỗi bên cần phải tôn trọng “các lợi ích cốt lõi” của bên kia. Nói một cách khác, Hoa Kỳ phải tránh xa khỏi các vấn đề như Đài Loan, Tây Tạng và Hong Kong và bao gồm cả khu vực Biển Đông mà Bắc Kinh ngang ngược tuyên bố chủ quyền.
Một vài chuyên gia chính sách đối ngoại của Trung Quốc đánh giá những bình luận của Ngoại trưởng Mỹ là “rất tích cực” và theo đúng chủ trương mà từ lâu Bắc Kinh đã theo đuổi, đó là “hình mẫu mới về các mối quan hệ giữa những siêu cường”, theo đó Mỹ và Trung Quốc có vị thế cân bằng.
Jin Canrong, chuyên gia quan hệ Mỹ-Trung tại ĐH Nhân dân ở Bắc Kinh, nhận định, những phát biểu của ông Tillerson là một sự ngạc nhiên lớn. “Trung Quốc từ lâu đã ủng hộ quan điểm này, nhưng Hoa Kỳ lại luôn từ chối chấp nhận quan điểm tôn trọng lẫn nhau. Phát ngôn của Ngoại trưởng Mỹ sẽ được Trung Quốc đón nhận nhiệt tình”, ông nói.
Tuy nhiên, theo Bonnie Glaser, cố vấn cấp cao về châu Á tại Trung tâm nghiên cứu quốc tế và chiến lược, cho rằng Mỹ nên sử dụng ngôn ngữ riêng để miêu tả mối quan hệ song phương, chứ không nên dùng lại từ ngữ của Trung Quốc.
Quan trọng hơn, “tôn trọng lẫn nhau” là dấu hiệu cho thấy sự chấp nhận một số vấn đề mà theo Trung Quốc là không thể đàm phán được. “Bằng cách đồng ý này, Washington dường như cho rằng Bắc Kinh không có cửa trong việc thỏa hiệp các vấn đề này. Tuy nhiên, đây là một sai lầm bởi Trung Quốc không cho thấy dấu hiệu gì của việc chấp nhận những lợi ích cốt lõi của Hoa Kỳ cả”, bà Glaser phân tích.
Trong chiến dịch tranh cử năm ngoái, ứng viên Donald Trump đã xem Trung Quốc như một mối đe dọa an ninh và đặc biệt là “kẻ đánh cắp” công việc của người Mỹ. Hôm 17/3 vừa qua, ông Tillerson đặt chân đến Bắc Kinh trong chuyến hành trình qua ba nước châu Á trong khi ông Trump ở Washington tiếp tục chỉ trích Trung Quốc vì không tích cực trong vấn đề hạt nhân của Triều Tiên.
Ngoại trưởng Mỹ cũng dùng nhiều lời lẽ nặng nề để nói về thái độ của Bắc Kinh đối với vấn đề Bình Nhưỡng đằng sau các cánh cửa đóng kín. Thế nhưng trước công chúng, ông lại sử dụng một giọng điệu chừng mực hơn, cho rằng đây là cách tốt để “giữ thể diện” cho Bắc Kinh và tăng cường hợp tác giữa hai nước.
Tờ Washington Post bình luận, ông Tillerson có thể đã nhận được những đảm bảo nào đó từ Trung Quốc, ví dụ như về vấn đề Triều Tiên hay thương mại, để ông có thể dễ dàng thể hiện sự hài lòng và dễ dãi như vậy. Hay cựu CEO của tập đoàn ExxonMobil chỉ đơn giản là không mấy lo lắng về ngôn ngữ ngoại giao và tập trung hơn vào kết quả đạt được.
Walter Lohman, giám đốc Trung tâm nghiên cứu châu Á thuộc Tổ chức Heritage Foundation, cho rằng: “Những phát ngôn của ông Tillerson có thể là một nỗ lực để giữ thể diện cho ông Tập trước công chúng, trong khi phía sau cánh cửa, cuộc đối thoại có lẽ thẳng thắn hơn. Ít nhất tôi cũng hy vọng như vậy. Bởi vì, dù ông Tập có trích đúng lời của ông Tillerson thì mối quan hệ Trung – Mỹ cũng không thể chỉ dựa trên hợp tác và tình bạn được”.
Ely Ratner, từng là cố vấn an ninh quốc gia của Phó Tổng thống Joe Biden và hiện là quan chức cao cấp tại Hội đồng Quan hệ đối ngoại, nhận định “đây là một sai lầm lớn và một cơ hội đã bị bỏ lỡ” khi lặp lại “ngôn ngữ tuyên truyền” của Trung Quốc.
“Việc Bắc Kinh xây dựng quan hệ Mỹ - Trung bằng các cụm từ đó báo trước sự tụt dốc và hòa giải của Washington. Ông Tillerson sử dụng các từ ngữ này đã đưa Mỹ vào một con đường nguy hiểm, không chỉ khuyến khích tính hiếu thắng của Bắc Kinh mà còn làm dấy lên nhiều nghi ngại trong khu vực về tương lai các cam kết và vai trò của Mỹ ở châu Á”, ông Ratner khẳng định.