Ngộ độc rượu: Liên tục bệnh nhân nhập viện khi quá nặng
Mù mắt, liệt não sau chén rượu mua đầu làng
Nằm điều trị tại Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai đã 4 ngày nay, dù được điều trị tích cực, nhưng sức khỏe bệnh nhân Lưu Xuân L. ( Long Biên, Hà Nội) vẫn không có tiến triển. Đôi mắt của anh đã bị mù vĩnh viễn, não liệt hoàn toàn.
Một nạn nhân bị ngộ độc rượu đang điều trị tại Trung tâm chống độc Bệnh viện Bạch Mai |
Người nhà bệnh nhân này cho biết, chỉ biết anh L. đi mua rượu ở đầu làng mà không biết mua cụ thể ở quán nào. Sau khi anh cùng với mấy người bạn uống, ngày hôm sau có dấu hiệu mờ mắt, đi khám ở bệnh viện gần nhà được chuyển đến bệnh viện chuyên khoa mắt rồi chuyển thẳng sang TT Chống độc. Đến đây thì anh đã rơi vào tình trạng hôn mê hoàn toàn.
Theo các bác sĩ Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai thì chưa năm nào mà Trung tâm phải tiếp nhận số lượng bệnh nhân bị ngộ độc rượu nhiều như năm nay. Với hàng chục bệnh nhân trong 1 tháng giáp tết, con số này đã tăng gần 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Các bác sĩ cũng lo ngại, lượng bệnh nhân sẽ tiếp tục tăng trong, sau những ngày Tết.
Hiện tại, hầu hết bệnh nhân đang điều trị tại trung tâm đều bị ngộ độc rượu methanol, mức độ nặng hơn gấp nhiều lần so với ngộ độc rượu ethanol.
Ngộ độc rượu: Đứng thứ 3 gây tử vong sau tim mạch, ung thư
TS. BS Nguyễn Kim Sơn – Giám đốc Trung tâm chống độc – Bệnh viện Bạch Mai cho biết: Mỗi dịp Tết đến, bệnh nhân ngộ độc rượu chiếm tỷ lệ lớn. So với các năm trước, 2 năm gần đây ngộ độc tăng lên do thời gian nghỉ dài hơn.
Thói quen xấu của người Việt cứ gặp nhau là phải ăn và uống. Vui cũng uống rượu, mà buồn cũng uống rượu. Trong khi đó, trên thực tế tình trạng ngộ độc rượu trong thời gian qua không chỉ xảy ra ở các bệnh nhân nam mà còn cả ở những bệnh nhân nữ.
“ Tổ chức Y tế Thế giới từng cảnh báo ngộ độc rượu đứng hàng thứ 3 gây tử vong sau tim mạch và ung thư. Trong đó ngộ độc Methanol còn nguy hiểm hơn nữa. Methanol nó chính là cồn công nghiệp, khi đi ăn nhà hàng người ta thường dùng cồn đó nấu lẩu thì nhiều cơ sở sản xuất hám lợi đã lấy cái cồn đó pha rượu bán ra thị trường. Các đệ tử lưu linh uống phải nhẹ thì mù mắt, nặng tử vong.” – TS Sơn nói.
PGS. TS Phạm Duệ, nguyên Giám đốc Trung tâm Chống độc - Bệnh viện Bạch Mai nhấn mạnh, methanol khi uống vào cũng như các loại rượu thông thường chỉ sau 1 đến 2 ngày bệnh nhân sẽ có dấu hiệu mù mắt sau đó xuất hiện trụy mạch, viêm gan, nhiễm độc rồi dẫn đến tử vong. Điều đáng ngại là không thể nhận biết rượu methanol bằng mắt thường hay uống thử.
Để phòng ngừa, các chuyên gia khuyến cáo người dân không uống quá nhiều rượu (trên 30ml/người/ngày với nồng độ từ 30 độ trở lên); Không uống cồn công nghiệp và rượu có hàm lượng Methanol vượt ngưỡng trên 0,05% vì có thể gây mù mắt và tử vong cao;
Không uống rượu khi rượu đó không rõ nguồn gốc xuất xứ, không có giấy chứng nhận lưu hành sản phẩm của cơ quan chức năng; Không uống rượu khi đang đói, mệt hoặc căng thẳng và không uống rượu pha chế, rượu ngâm với lá, rễ cây, phủ tạng động vật, hay những rượu ngâm theo kinh nghiệm dân gian.