Nghệ An: "Người dân "ngại" bệnh viêm da nổi cục, thịt trâu, bò ế ẩm
Bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò không lây sang người nhưng do tâm lý e ngại, người tiêu dùng hạn chế sử dụng thịt các loại gia súc này khiến thị trường thịt trâu, bò ế ẩm.
NGƯỜI TIÊU DÙNG "NÉ" THỊT TRÂU, BÒ
Liên tiếp những ngày gần đây, bệnh viêm da nổi cục xuất hiện tại một số địa phương ở thành phố Vinh: Nghi Liên, Nghi Đức, Nghi Phú với tổng số trâu, bò nhiễm bệnh khoảng 50 con. Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, người tiêu dùng e ngại khi sử dụng thịt trâu, bò làm thực phẩm trong bữa ăn hàng ngày, thậm chí nhiều người còn loại bỏ thịt trâu, bò, bê ra khỏi thực đơn.
Chị Trần Châu Anh, một người nội trợ ở phường Hưng Dũng cho biết: “Mặc dù biết bệnh viêm da nổi cục không lây sang người nhưng quả thực khi nhìn hình ảnh những con bò bị bệnh vẫn thấy sợ. Do đó, khi dịch bệnh đang diễn ra thì gia đình tạm ngưng các món từ trâu, bò, bê”.
Chính điều này khiến các tiểu thương kinh doanh thịt trâu, bò lâm vào cảnh ế ẩm. Chị Hoàng Thị Lương, tiểu thương kinh doanh thịt bò tại chợ Quán Lau (phường Trường Thi, TP.Vinh) cho biết: “Giá thịt bò vẫn ổn định (200.000 đồng - 240.000 đồng/kg) nhưng sức mua giảm hẳn. Bình thường bán lẻ ngày khoảng 15-20 kg thì nay chỉ 5-7 kg có khi cũng không hết. Mặc dù bệnh này không lây sang người và thịt bò chúng tôi lấy ở các lò mổ được cấp phép, có giấy kiểm dịch nhưng người nội trợ vẫn e ngại”.
Dịch bệnh khiến người tiêu dùng e ngại khi lựa chọn thịt trâu, bò làm thực phẩm trong các bữa ăn gia đình. Do đó, thịt các loại gia súc này ở các chợ dân sinh ế ẩm. Ảnh: Thanh Phúc
Trước khi bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò xuất hiện, mỗi ngày vợ chồng chị Nguyễn Thị Ngọc (Thanh Hòa, Thanh Chương) giết mổ 1 con bê, chở 70 kg thịt xuống Vinh bán tại chợ Cọi và chợ Bến Thủy. “Tầm 11h là hết thịt, hết xương nhưng mấy hôm nay thì ế hẳn, 50 kg thịt bê chia làm 4 điểm bán, phải nán lại bán cả buổi chiều mà vẫn ế. Nhất là lượng khách từ các nhà hàng, khách sạn giảm hẳn”.
Kéo theo đó, các mặt hàng như giò chả, xúc xích làm từ thịt bò cũng vắng khách, có nhiều quán ăn sáng chuyên bún bò, trước tâm lý e ngại thịt bò của thực khách đã bán thêm phở gà, súp lươn…
Ở huyện Quỳnh Lưu, địa phương vừa ghi nhận 2 mẫu dương tính bệnh viêm da nổi cục ở bò tại xã Quỳnh Bảng. Tuy nhiên, theo ghi nhận tại các chợ trên địa bàn huyện, lượng tiêu thụ thịt trâu, bò, me giảm nhẹ; giá thịt bò vẫn giữ mức từ 230.000 – 250.000 đồng/kg (tùy loại).
Bà Hoàng Thị Lương, một tiểu thương ở chợ Quán Lau (TP.Vinh) cho biết, lượng tiêu thụ thịt bò giảm 50% so với trước khi dịch bệnh viêm da nổi cục xảy ra. Ảnh: Thanh Phúc
TĂNG CƯỜNG KIỂM DỊCH, ĐẢM BẢO NGUỒN THỊT AN TOÀN
Ông Trần Minh Quân - Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Quỳnh Lưu cho biết, dịch viêm da nổi cục xuất hiện tại xã Quỳnh Bảng đã được phát hiện hơn 10 ngày. Đơn vị chỉ đạo cán bộ thú y địa bàn hướng dẫn bà con phòng dịch, khuyến cáo người dân chăn nuôi không mua bán, giết mổ, vận chuyển trâu, bò, me ra địa bàn để đảm bảo khâu kiểm dịch. Tại các điểm chợ, người dân khi mua thịt trâu, bò, me cần kiểm tra kỹ lưỡng về nguồn gốc, chất lượng”.
Tính đến ngày 25/3, trên địa bàn Nghệ An đã có 12 huyện, thị xã, thành phố có trâu, bò nhiễm bệnh này: Nghi Lộc, Hưng Nguyên, Diễn Châu, Quỳnh Lưu, Nghĩa Đàn, Tân Kỳ, Đô Lương, Anh Sơn, Quỳ Châu, TX. Hoàng Mai, TX. Thái Hòa và TP. Vinh.
Ông Ngô Đức Quỳnh - Phó Chi Cục trưởng Chi Cục Chăn nuôi và Thú y khẳng định: “Bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò không lây sang người. Hiện, dịch bệnh này đang được kiểm soát chặt chẽ, công tác kiểm dịchở các lò mổ được thắt chặt nhằm đảm bảo nguồn thịt an toàn khi xuất ra thị trường. Do đó, người tiêu dùng không nên quay lưng với thịt trâu, bò. Hiện Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã tiếp nhận 10.000 liều vắc-xin phòng bệnh viêm da nổi cục trâu, bò được nhập khẩu từ Thổ Nhĩ Kỳ để tiêm phòng, hy vọng dịch bệnh sẽ sớm được đẩy lùi”.
Tuy nhiên, để đảm bảo sức khỏe, người tiêu dùng cần tìm mua thịt có nguồn gốc, có dấu kiểm dịch, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng; kiểm tra kỹ các dấu hiệu trên thịt như màu sắc, độ bám dính tự nhiên, không thấy nhớt và ướt nước khi ấn vào thịt, không có mùi hôi. Đồng thời phải tuân thủ ăn chín, uống sôi.
Đoàn liên ngành thành phố Vinh phối hợp với Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh kiểm tra các điểm kinh doanh sản phẩm động vật buôn bán trên vỉa hè và tại các chợ ở TP. Vinh. Ảnh: Phú Hương
Đoàn liên ngành thành phố Vinh phối hợp với Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Nghệ An vừa tiến hành kiểm tra các điểm kinh doanh sản phẩm động vật buôn bán trên vỉa hè và tại các chợ ở TP. Vinh. Tại đường Nguyễn Sỹ Sách, phường Hưng Phúc (TP. Vinh), đoàn đã kiểm tra một số cơ sở buôn bán thịt me thui Nam Nghĩa, thịt trâu, bò. Quá trình kiểm tra, đoàn phát hiện và lập biên bản 2 cơ sở buôn bán sản phẩm động vật không phép, không có dấu kiểm soát giết mổ, tem vệ sinh thú y, vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm với khối lượng trên 80 kg.
Tại chợ Quán Lau, phường Trường Thi, đoàn kiểm tra liên ngành đã lập biên bản xử phạt hành chính, đồng thời tuyên truyền, nhắc nhở chủ các cơ sở chấp hành đúng quy định về kinh doanh, buôn bán, vận chuyển sản phẩm động vật trên thị trường, không được kinh doanh buôn bán sản phẩm động vật bị bệnh, nhất là trong thời điểm dịch viêm da nổi cục trên trâu, bò bùng phát mạnh như hiện nay.
“Chán” vàng, bà nội trợ rủ nhau chơi chứng khoán
Chỉ trong thời gian ngắn, số tài khoản mở mới của nhà đầu tư cá nhân đạt gần 400.000 tài khoản, tăng hơn 100%.
Theo baonghean.vn