Nghệ An: Doanh nghiệp khai thác đất trái phép trong khu du lịch tâm linh
Máy múc khoét sâu vào lớp đất ở tầng trên tại đồi Lô Dô. (Ảnh chụp chiều ngày 7/6/2017) |
Hết hạn hợp đồng nhưng vẫn 'vô tư' khai thác đất trái phép
Những ngày gần đây, theo phản ánh của người dân địa phương, tại địa bàn khu vực Lô Dô, thuộc khu lịch tâm linh Rú Gám, xã Xuân Thành huyện Yên Thành (Nghệ An), tình trạng khai thác đất, đá diễn ra phổ biến, ảnh hưởng đến hệ sinh thái và môi trường xung quanh.
Đặc biệt, trong 2 ngày 7,8/6/2017, tình trạng khai thác đất, đá với hàng chục xe tải vận chuyển đất, đá diễn ra rầm rộ, khiến môi trường bị ảnh hưởng do đất đá vương vãi, bụi bay mù mịt trên tuyến đường, người dân địa phương vô cùng bức xúc.
"Đại công trường" khai thác đất trái phép tại đồi Lô Dô |
Theo ghi nhận của PV, sáng ngày 8/6/2017, có mặt tại hiện trường, từng xe tải nối đuôi nhau để chở đất, đá đi các nơi khác trên địa bàn.
Tại ‘đại công trường’ khai thác, chúng tôi được một người tên H. cho biết, việc lấy đất đã được Ủy ban nhân dân xã Xuân Thành đồng ý.
Trao đổi với PV, bà Phan Thị Thuận – Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Thành, huyện Yên Thành cho biết: “Xã đã xin chủ trương của huyện để cho phép bình chỉnh, cải tạo, sau đó xã đã làm hợp đồng kinh tế (HĐKT) với anh Hải (anh Trương Đăng Hải, công dân xã Tăng Thành, huyện Yên Thành, là bên nhận thầu – PV). Sau khi hết hạn hợp đồng, họ (anh Hải) đã xin gia hạn để tiếp tục được bình chỉnh, cải tạo”.
Khi chúng tôi đề nghị được xem hợp đồng gia hạn và các giấy tờ liên quan giữa UBND xã Xuân Thành với ông Trương Đăng Hải, thì được bà Thuận cung cấp một hợp đồng kinh tế nhưng đã hết thời hạn gần được một tháng.
Hợp đồng bình chỉnh, cải tạo mặt bằng ở Lô Dô giữa UBND xã Xuân Thành và ông Trương Đăng Hải đã hết thời gian thực hiện. |
Theo đó, ngày 16/11/2016, UBND Xuân Thành có HĐKT số 02 về việc gia hạn hợp đồng bình chỉnh cải tạo mặt bằng tại đồi Lô Dô, thuộc khu du lịch tâm linh Rú Gám với ông Trương Đăng Hải, thời gian gia hạn hợp đồng bắt đầu từ ngày 17/11/2016 đến ngày 17/5/2017 (thời gian bình chỉnh, cải tạo mặt bằng trong vòng 6 tháng).
Tuy nhiên, theo ghi nhận của PV, mặc dù đã quá hạn hợp đồng, khu vực đồi Lô Dô vẫn đang được phía nhận thầu khai thác trái phép, hiện trường nham nhở, tạo thành những chỗ lồi lõm rất nguy hiểm, nhiều chỗ ở vách núi được móc khoét theo kiểu “hàm ếch” có thể đổ sập lúc nào không biết.
Như vậy, bất chấp hợp đồng đã hết hiệu lực, chính quyền địa phương vẫn “làm ngơ” để cho ông Trương Đăng Hải khai thác đất trái phép tại khu vực đồi Lô Dô, thuộc khu du lịch tâm linh Rú Gám, huyện Yên Thành.
Hiện trường nham nhở tại khu vực đồi Lô Dô. |
Cấm tình trạng khai thác đất đá trái phép trong toàn huyện
Trao đổi với PV Báo điện tử Infonet về vấn đề này, ông Nguyễn Đức Thiện - Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Yên Thành cho biết, hiện tại trên địa bàn huyện cấm toàn bộ tình trạng này, không có chỗ nào cho phép khai thác đất.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, trước đó, tháng 12 năm 2013, UBND huyện Yên Thành đã có Công văn 1708/UBND về việc đồng ý cho UBND xã Xuân Thành bình chỉnh, cải tạo mặt bằng tại khu vực đồi Lô Dô, thuộc khu du lịch tâm linh Rú Gám.
Nhiều khu vực nham nhở, lấy đất để lại "hàm ếch" vô cùng nguy hiểm. |
Theo đó, UBND huyện Yên Thành đã đồng ý cho UBND xã Xuân Thành thực hiện công tác cải tạo, bình chỉnh mặt bằng tại khu vực đất đồi Lô Dô, thuộc thửa đất số 01, tờ bản đồ 09 và thửa đất số 32, tờ bản đồ số 10, vị trí ở đồi thông có diện tích 5ha, là đất đồi núi trọc. Đồng thời giải phóng tầm che khuất an toàn giao thông cho đường Khùa, trả lại mỹ quan cho khu vực đồi Lô Dô đã bị khai thác trước đây.
Đến ngày 26/5/2014, UBND xã Xuân Thành đã có Hợp đồng kinh tế số 02 về việc bình chỉnh, cải tạo mặt bằng tại Lô Dô với ông Trương Đăng Hải (công dân trú ở Tăng Thành, huyện Yên Thành, Nghệ An).
Các xe tải chở đất, đá đi bán trên địa bàn, bụi bay mù mịt trên đường. |
Theo thời hạn của hợp đồng này, sẽ là từ ngày 27/5/2014 đến ngày 15/12/2016, với tổng khối lượng 18.240 m³ (mười tám ngàn hai trăm bốn mươi mét khối), tương đương 109.440.000 đồng, bình quân chiều dài của khu cải tạo là 38 mét, chiều rộng 30 mét, chiều cao 16 mét.
Sau khi hết thời hạn, ngày 10/11/2016, phía ông Trương Đăng Hải (công dân trú tại xã Tăng Thành, huyện Yên Thành) đã có đơn xin gia hạn hợp đồng gửi UBND xã Xuân Thành. Và được địa phương đồng ý, tiếp tục ký kết hợp đồng kinh tế số 02 ngày 16/11/2016 nhưng đến nay đã hết thời gian thực hiện.
Việc UBND xã Xuân Thành làm hợp đồng kinh tế với ông Trương Đăng Hải để thu tiền nhưng việc ông Hải khai thác trái phép thì xã không hề kiểm tra mà vẫn để tình trạng này kéo dài mãi khiến môi trường, cảnh quản khu du lịch tâm linh Rú Gám bị ảnh hưởng nghiêm trọng, còn người dân thì vô cùng lo lắng và bức xúc.
Trong không gian hùng vĩ, thơ mộng với sông Dinh chạy quanh co bên những ngọn đồi, chùa Gám (làng Kẻ Gám) hiện ra với kiến trúc cổ kính, điêu khắc chùa Gám hết sức tinh xảo. Các mảng điêu khắc hình cây cỏ, hoa lá, linh vật, những bức tượng phật... được kết nối lại làm cho con người gần gũi, hoà quyện vào thiên nhiên.
Để khai thác một cách hợp lý các giá trị văn hoá, lịch sử, tâm linh và du lịch của quần thể này, UBND huyện Yên Thành đã cho lập quy hoạch chi tiết bảo tồn tôn tạo khu du lịch tâm linh Rú Gám có quy mô khoảng 250 ha. Khu vực lập quy hoạch thuộc xã Xuân Thành (trên tỉnh lộ 538, kết nối từ Quốc lộ 7 với Quốc lộ 1A), với điểm nhấn trung tâm là chùa Gám, từ đó phát triển không gian du lịch tâm linh, sinh thái với các địa danh khác nằm trong không gian du lịch của Nghệ An và Bắc Trung Bộ.
Việc cho lập dự án quy hoạch khu du lịch sinh thái và tâm linh Rú Gám là một quyết định có tính đột phá để tìm ra hướng đi cho phát triển du lịch của huyện Yên Thành. Làm cho Rú Gám sống dậy, lớn lên ngang tầm với vóc dáng của một danh sơn, nơi hội tụ anh linh của một vùng đất; đây cũng sẽ là điểm nhấn và là động lực phát triển du lịch của vùng quê lúa Yên Thành. (Nguồn: BNA)