Ngày Tết là thử thách lớn với người đái tháo đường
Theo các bác sĩ nội tiết, chuyển hoá, sau Tết là thời điểm các bệnh nhân bị rối loạn chuyển hoá dồn dập vào viện vì các biến chứng của bệnh.
Thử thách của bệnh nhân
Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Huy Cường – Phòng khám Nội tiết 131 Thái Hà cho biết hầu như năm nào cũng vậy vào dịp sau Tết là hàng loạt bệnh nhân đái tháo đường phải cầu cứu bác sĩ với đủ các bệnh lý, đặc biệt là tình trạng tăng đường huyết thậm chí có biến chứng.
Ví dụ như trường hợp của ông Nguyễn Đoàn M. 57 tuổi, Tây Hồ, Hà Nội là bệnh nhân của bác sĩ Cường. Ông M. đã hai lần vào viện cấp cứu vì tăng đường huyết. Một lần cách đây 4 năm vào dịp cưới con gái và lần thứ 2 là Tết năm ngoái. Do bận chúc Tết, ăn uống với bạn bè ông M. quên hẳn việc đo đường huyết hàng ngày của mình. Đặc biệt ông chủ quan nghĩ rằng đường huyết thời gian trước của mình ổn định. Kết quả, mùng 2 Tết ông thấy người mệt, nhức đầu và mờ mắt. Khi ngủ trưa dậy ông thấy đầu như bị tiền đình. Ông vội vàng tìm bác sĩ và kết quả đường máu của ông lên tới 16 mmol/l dù lúc đó là đầu giờ chiều.
Bác sĩ Cường cho biết ngày Tết được xem là thử thách của bệnh nhân đái tháo đường và không phải ai cũng có thể bước qua. Với tình hình dịch bệnh như hiện tại thì người bệnh đái tháo đường càng phải đặc biệt chú ý tới sức khoẻ của mình, không nên chủ quan, lơ là.
Theo bác sĩ Cường ngày Tết là dịp để các thành viên trong gia đình sum họp. Các gia đình thường làm nhiều món ngon để thờ cúng cũng như tiếp đãi khách. Vì vậy, hầu hết mọi người thường thay đổi chế độ ăn hằng ngày, ăn uống nhiều hơn và giờ giấc cũng khác ngày thường.
Những món ăn truyền thống vào dịp Tết thường chứa rất nhiều tinh bột và chất béo như bánh chưng, bánh tét, xôi, giò thủ, các đồ chiên rán,… gây tăng đường huyết nhanh. Không những thế các thực phẩm như bánh kẹo, mứt Tết dù chỉ lai rai cũng có thể kéo đường huyết lên nhanh chóng.
Thực phẩm ngày Tết phong phú là thách thức với bệnh nhân đái tháo đường. |
Chính vì vậy, đối với người đái tháo đường mọi người cần phải lên thực đơn cho mình vào ngày Tết và trước Tết nên đến bác sĩ kiểm tra 1 lần để xác định đường huyết cũng như các biến chứng tiềm ẩn đi kèm.
Chế độ của người đái tháo đường
Nếu đường huyết lên xuống thất thường hoặc vượt quá giới hạn an toàn (> 7 mmol/L) trong thời gian dài sẽ gây ra các biến chứng mạn tính như: Tổn thương trên tim mạch, thần kinh; tổn thương thận hoặc suy thận; tổn thương các mạch máu võng mạc dẫn đến mù lòa; đục thủy tinh thể; bệnh lý bàn chân; các vấn đề về da, bao gồm cả nhiễm khuẩn, nhiễm nấm và các vết thương khó lành; tổn thương chân răng và nhiễm trùng lợi…
Nếu đường huyết tăng quá cao (> 20 mmol/l) không được điều trị kịp thời, có thể gây ra nhiều biến chứng cấp tính nguy hiểm gây hôn mê, hay tử vong.
Bác sĩ Cường cho biết kiểm soát đường huyết chính là nhiệm vụ quan trọng nhất của người bệnh. Trong thực đơn hàng ngày dù ngày thường hay Tết thì người bị đái tháo đường vẫn cần giữ lượng kalo đưa vào cơ thể một ngày không quá 1500 kalo.
Một số biện pháp kiểm soát dinh dưỡng đơn giản sau đây có thể giúp bạn phòng ngừa tăng đường huyết trong ngày Tết:
Đảm bảo ăn uống đúng giờ, điều độ, không nên bỏ bữa. Các bữa ăn nên được chia nhỏ thành các bữa chính và bữa phụ, để tránh tăng đường huyết nhiều sau khi ăn. Cần đảm bảo có đầy đủ và cân đối các chất tinh bột, chất đạm, chất béo, chất xơ, vitamin trong thực đơn hàng ngày.
Đối với tinh bột, nên chọn gạo lứt thay cho gạo trắng, bún, phở… Chọn các thực phẩm giàu đạm có nguồn gốc động vật ít béo như thịt nạc, cá, tôm…
Ngoài bị đái tháo đường phải kiêng các món ăn làm từ mỡ và nội tạng động vật. Nên sử dụng dầu thực vật: dầu đậu nành, dầu vừng.
Ăn đa dạng các loại rau và trái cây. Trái cây mang lại nhiều lợi ích cho cơ thể, nhưng người bị Đái tháo đường nên chọn các loại quả có hàm lượng đường ít, như thanh long, bưởi, ổi,…Không nên dùng các loại bánh kẹo ngọt chứa nhiều đường, các loại mứt, hoa quả sấy khô, rượu bia, nước ngọt có gas. Nên tránh những loại thực phẩm được chế biến sẵn như đồ hộp, xúc xích, mì gói…
Khánh Chi