Ngày Dân số thế giới: Đối mặt vấn nạn nữ vị thành niên mang thai
Phát biểu tại buổi họp báo, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến cho biết: Vị thành niên là nhóm người từ 10-19 tuổi hiện chiếm khoảng 1/5 dân số của Việt Nam. Tình hình sức khỏe sinh sản (SKSS) vị thành niên, thanh niên (VTN/TN) và mang thai ở tuổi VTN của Việt Nam hiện nay còn nhiều vấn đề cần quan tâm, đặc biệt là tình trạng quan hệ tình dục không an toàn, mang thai ngoài ý muốn và phá thai không an toàn, mắc các bệnh về tình dục ở VTN/TN có xu hướng gia tăng.
Đối mặt với nhiều khó khăn khi mang thai ở tuổi VTN/TN
Trong buổi họp báo, Thứ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh đến những tai biến có thể xảy đến trong quá trình thai nghén ở tuổi VTN/TN như sản giật, tiền sản giật, chảy máu đe dọa tính mạng người mẹ: “Đối với những người mang thai tuổi 18-19 nguy cơ thai nghén cao, dễ bị các tai biến thai nghén”.
Mang thai ở tuổi VTN/TN các em đang phải đối mặt với những khó khăn, thách thức mà tự mình không thể giải quyết được, đặc biệt là thường phải lập gia đình khi còn nhỏ tuổi, phải mang thai và sinh con khi các em chưa thực sự trưởng thành về thể chất, tình cảm và chưa đủ trưởng thành về mặt xã hội để sẵn sàng làm mẹ.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến: Mang thai ở tuổi VTN/TN các em đang phải đối mặt với những khó khăn, thách thức mà tự mình không thể giải quyết được. Ảnh NL |
Ông Arthur Erken, trưởng đại diện của UNFPA tại Việt Nam cho biết: mang thai tuổi VTN – vấn đề cấp thiết mà trẻ em gái VTN trên toàn thế giới đang phải đối mặt không chỉ là vấn đề liên quan đến sức khỏe mà còn là vấn đề phát triển. Nó có nguyên nhân sâu xa từ đói nghèo, mất bình đẳng giới, bạo lực, kết hôn sớm, sự không công bằng về quyền lực giữa trẻ em gái và bạn trai của họ do các em không được đi học.
Mỗi năm năm trên toàn cầu có khoảng 16 triệu trẻ em gái tuổi từ 15-19 sinh con. Cứ 10 em trong số này thì có tới 9 em đã kết hôn, đây chính là thực tế đã dẫn tới thực trạng sinh con trong độ tuổi VTN. Nghiên cứu cho thấy, trẻ em VTN kết hôn sớm và làm mẹ khi còn nhỏ tuổi sẽ gặp nhiều khó khăn trong cuộc đời của mình.
Nhân ngày Dân số Thế giới năm 2013, Giám đốc điều hành UNFPA toàn cầu kêu gọi: VTN và TN cần phải được giáo dục giới tính toàn diện và phù hợp để các em có kiến thức và kỹ năng tự bảo vệ mình trong cuộc sống. Cần phải có sẵn các dịch vụ CSSK có chất lượng dành cho VTN/TN để các em được quyết định và lựa chọn giúp các em có cuộc sống khỏe mạnh.
Mang thai ở tuổi VTN và những con số giật mình
Có 16 triệu trẻ em gái từ tuổi 15-19 sinh con mỗi năm trên toàn thế giới, các biến chứng khi mang thai và khi sinh là những nguyên nhân hàng đầu gây ra tử vong mẹ cho các em gái tuổi vị thành niên ở các nước có thu nhập thấp và trung bình.
Theo số liệu từ UNFPA, tỷ lệ thương tật và tử vong do nạo phá thai không an toàn ở trẻ em gái VTN và nữ thanh niên trẻ cao. Ước tính năm 2008 số ca nạo phá thai không an toàn ở VTN trong độ tuổi từ 15-19 ở các nước đang phát triển là khoảng 3 triệu ca. Thai chết lưu và tử vong sơ sinh chiếm hơn 50% các ca sinh của các bà mẹ dưới 20 tuổi so với những bà mẹ từ 20-29 tuổi.
Về tình hình quan hệ tình dục và sử dung các biện pháp tránh thai ở VTN, theo số liệu của WHO, ở các nước đang phát triển, 22% trẻ em gái vị thành niên tuổi từ 15-19 đã lập gia đình hoặc đang chung sống như vợ chồng có sử dụng các biện pháp tránh thai. Vị thành niên bắt đầu hoạt đồng tình dục sớm cho dù trước hay sau khi kết hôn cùng đều liên quan tới tỷ lệ sinh đang ngày càng gia tăng ở tuổi VTN.
Tình trạng quan hệ tình dục không an toàn, mang thai ngoài ý muốn và phá thai không an toàn, mắc các bệnh về tình dục ở VTN/TN có xu hướng gia tăng. (Ảnh NL chụp taị phòng kế hoạch hóa gia đình Bệnh viện Phụ sản Trung ương) |
Chia sẻ tại buổi họp báo, ông Nguyễn Đức Vinh, Phó vụ trưởng Vụ Sức khỏe Bà mẹ- Trẻ em cho biết: tình trạng SKSSTD ở VTN/TN Việt Nam dậy thì sớm hơn, kết hôn muộn hơn. Tỷ lệ có kiến thức về SKSS cao nhưng chưa tương xứng mức độ hiểu biết chính xác và hành vi an toàn về SKSSTD. Nguy cơ cao về QHTD trước hôn nhân, có thai ngoài ý muốn và phá thai không an toàn và nhiều bệnh về tình dục đáng lo ngại. Bên cạnh đó, việc đáp ứng nhu cầu về CSSKSS còn hạn chế.
Theo số liệu của Vụ Sức khỏe Bà mẹ- Trẻ em, tỷ lệ vị thành niên có thai trong tổng số người mang thai tăng liên tục qua các năm: năm 2010 là 2,9%, năm 2011 là 3,1% và đến năm 2012 là 3,2% tương ứng với tỷ lệ phá thai ở lứa tuổi này là 2,2% (2010), 2,4% (năm 2011) và 2,3% năm 2012.
Với tư cách là một vị thành niên đang sống và lao động tại Hà Nội, bạn Đỗ Dương Minh Anh cho bày tỏ mong muốn được cung cấp những kiến thức đầy đủ và toàn diện về SKSSTD tuổi VTN/TN: “Xin người lớn hãy tin tưởng chúng tôi và trao cho chúng tôi kiến thức và kỹ năng để chúng tôi biết tự bảo vệ mình. Đồng thời giúp chúng tôi phát triển khỏe mạnh, có một cuộc sống an toàn và lành mạnh để chúng tôi đóng góp vào công cuộc phát triển bền vững đất nước”.
“Chúng ta phải đầu tư vào trẻ em gái VTN vì những lợi ích tốt đẹp nhất của các em. Các em được học tập và có sức khỏe tốt sẽ có cơ hội phát triển hết tiềm năng và được đáp ứng các quyền của mình. Các em sẽ kết hôn muộn hơn, trì hoãn thời gian sinh con, sinh ra những đưa trẻ khỏe mạnh hơn. Các em có thể giúp mình và gia đình của mình trong tương lại thoát khỏi đói nghèo”, Ông Arthur Erken nhấn mạnh.
Nhân ngày Dân số Thế giới năm 2013, Bộ Y tế và Liên hợp Quốc tại Việt Nam kêu gọi nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc giải quyết các yếu tố ảnh hưởng tới mang thai sớm trong nhóm trẻ em gái vị thành niên ở Việt Nam.