Ngày càng nhiều người trẻ bị 'lú lẫn'
Làm việc không tập trung, nhớ nhớ quên quên, cáu gắt… là biểu hiện của bệnh sa sút trí tuệ. Căn bệnh đã bắt đầu 'tấn công' cả người trẻ tuổi.
Chị Lê Vũ Nguyệt Hà (45 tuổi, ngụ tại TP.Hà Nội) đi khám vì chứng bệnh nhớ nhớ, quên quên dù trước đó chị có sức khỏe tốt, công việc dù áp lực như thế nào chị cũng “cân” được. Nhưng hai năm trở lại đây, chị Hà thường xuyên mất ngủ và rơi vào trạng thái không nhớ được nhiều.
Chị Hà cho biết nhiều khi chị ngồi trước công việc nhưng không thể làm được, không biết bắt đầu từ chỗ nào. Hiệu quả công việc giảm sút, tính tình cũng trở nên cáu gắt hơn, tâm trạng dễ bị kích động.
Tại khoa Thần kinh, BV Lão khoa Trung ương, các bác sĩ ở đây ghi nhận sau đại dịch Covid-19 kéo dài 2 năm, số bệnh nhân đến khám và điều trị bệnh sa sút trí tuệ ngày càng đông.
Đặc biệt, bệnh trước đây gặp ở người trên 70 tuổi thì hiện tại ngay cả người mới 40-50 tuổi đã mắc bệnh, thậm chí cả người ít tuổi hơn cũng đến khám vì suy giảm trí nhớ.
BSCK II Tống Mai Trang – Khoa Thần kinh, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, cho biết sa sút trí tuệ là bệnh lý xảy ra do tổn thương tế bào não hoặc tổn thương liên kết của tế bào não. Sa sút trí tuệ ảnh hưởng tới trí nhớ, khả năng sắp xếp công việc cũng bị ảnh hưởng.
Nguyên nhân gây sa sút trí tuệ bao gồm di truyền, ảnh hưởng từ các bệnh lý như bệnh alzheimer, đột quỵ não, parkinson… và lạm dụng thuốc trong thời gian dài, đặc biệt là nhóm thuốc an thần, thuốc chống trầm cảm…
Một số người cũng bị sa sút trí tuệ nhưng do nhiễm trùng thần kinh, nhiễm vi chất, nguyên nhân này có thể điều trị được.
Bệnh nhân đi khám tại khoa Thần kinh, BV Đại học Y Dược TP.HCM. |
Dấu hiệu của sa sút trí tuệ:
Ở giai đoạn nhẹ, người bệnh có thể suy giảm trí nhớ ngắn hạn, thay đổi tính tình, dễ nóng giận và kích động.
Giai đoạn trung bình, người bệnh khó khăn trong tắm rửa, mặc quần áo, vệ sinh cá nhân; mất khả năng tiếp thu thông tin mới, rối loạn định hướng về không gian và thời gian. Người bệnh có thể gặp hoang tưởng bị ám hại, vô cớ tấn công người khác.
Ở giai đoạn nặng, người bệnh mất toàn bộ khả năng sinh hoạt, hoàn toàn lệ thuộc vào người chăm sóc. Người bệnh không nhận biết được người thân trong gia đình, mất khả năng đi lại. Các biến chứng của giai đoạn cuối là suy kiệt, thiếu dinh dưỡng, viêm phổi hít và loét do tỳ đè.
Cũng theo BS Trang, theo nghiên cứu đăng trên tạp chí Lancet - một tạp chí y khoa hàng đầu thế giới người ta thấy có 40% các yếu tố tác động xấu tới bộ não gây suy giảm nhận thức.
Ở thanh thiếu niên trình độ học vấn rất quan trọng. Học vấn thấp thì dễ sa sút trí tuệ về sau. Những người học vấn cao tỷ lệ sa sút trí tuệ thấp hơn.
Nhóm trung niên có các yếu tố gây sa sút trí tuệ như giảm thính lực, tăng huyết áp, béo phì, uống bia rượu.
Nhóm tuổi cao niên các bệnh đái tháo đường, đột quỵ, trầm cảm, lối sống ít tương tác với mọi người cũng được xem là nguyên nhân gây sa sút trí tuệ.
Trong thời gian qua, sau đại dịch Covid-19 người ta thấy cứ 3 giây lại có thêm người mắc sa sút trí tuệ. Tỷ lệ mắc bệnh ngày càng tăng lên. Năm 2018, toàn thế giới có 50 triệu người mắc sa sút trí tuệ. Người ta ước tính tới năm 2030 sẽ có khoảng 82 triệu người, năm 2050 số lượng là 150 triệu người. Ngân sách cho chăm sóc và điều trị sa sút trí tuệ rất nhiều. Năm 2018 tại Mỹ là 1000 tỷ USD và đến năm 2030 lên 2000 tỷ USD.
Tổ chức Y tế thế giới cũng đưa ra cảnh báo tỷ lệ mắc sa sút trí tuệ lại tăng đột biến ở các nước đang phát triển trong đó có Việt Nam.
Theo hội Alzheimer và rối loạn thần kinh nhận thức Việt Nam thì có khoảng 5% dân số trên 60 tuổi mắc bệnh sa sút trí tuệ.
Để phòng sa sút trí tuệ, bác sĩ khuyến cáo người trẻ nên điều chỉnh hợp lý việc học, công việc, không để gây áp lực quá lớn.
Làm việc vẫn nên bố trí thời gian nghỉ ngơi, tránh lạm dụng những chất gây nghiện như rượu, bia, thuốc lá, đặc biệt là ma túy. Ma túy và tiền chất của ma túy gây ra hiện tượng sa sút trí tuệ rất nhanh.
K.Chi