Ngành Y 2016: Những điểm sáng và những khoảng tối
Điểm sáng
Em bé đầu tiên ra đời bằng phương pháp mang thai hộ
Sáng 22/1, bé gái Đinh Quỳnh Anh – em bé đầu tiên được mang thai hộ ở Việt Nam - chào đời khỏe mạnh, nặng 3,6 kg tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương Hà Nội.
Bé gái đầu tiên ở Việt Nam chào đời từ phương pháp mang thai hộ |
Sự kiện này đánh dấu một thành tựu của ngành y khoa cả về mặt y học và pháp lý, mang lại niềm hy vọng, cơ hội làm cha – mẹ cho rất nhiều người.
Mang thai hộ là quy định mang tính nhân đạo, những cặp vợ chồng vô sinh hiếm muộn vì lý do người vợ không mang thai được trong khi vợ có noãn, chồng có tinh trùng, thì có thể nhờ mang thai hộ có cơ hội làm cha làm mẹ.
Hiện cả nước có 3 bệnh viện được phép thực hiện kỹ thuật này là Bệnh viện Phụ sản Trung ương, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Huế và Bệnh viện Từ Dũ TP.HCM.
Ghép tạng xuyên Việt
Các bác sĩ Việt Nam đã làm nên kỳ tích khi 2 lần đưa nguồn tạng vượt hơn 1.700 km từ TP.HCM đến Hà Nội ghép cứu sống 4 người. Nội tạng được hiến của người chết não phải chuyển đi hàng ngàn cây số và các bác sĩ phải chạy đua giành giật từng phút với tử thần để nối dài sự sống cho bệnh nhân.
Các chuyên gia cho rằng tại Việt Nam hiện nay hoàn toàn có thể thực hiện việc lấy tạng từ những vùng xa xôi hẻo lánh nhất vì các trung tâm ghép tạng đã được đặt ở 3 miền Bắc - Trung - Nam. Nếu có người hiến tạng chết não thì đội ngũ y, bác sĩ đủ khả năng vận chuyển người chết não hiến tạng về các trung tâm này để hồi sức và lấy tạng hoặc có thể lấy tạng tại tất cả bệnh viện của các địa phương.
Robot phẫu thuật cho người lớn siêu hiện đại đầu tiên ở Việt Nam
Với 4 cánh tay phẫu thuật, đầu camera thông minh, góc rộng 540 độ, robot phẫu thuật dùng để mổ nội soi cho người lớn vừa xuất hiện ở Việt Nam vào tháng 12/2016.
Các cánh tay của hệ thống robot này hoạt động như một cánh tay của bác sĩ phẫu thuật. Bốn cánh tay cho phép các bác sĩ tiến hành phẫu thuật nhiều mặt bệnh cùng với sự xâm lấn tối thiểu và độ chính xác, hiệu quả an toàn vượt trội, giúp bệnh nhân ít mất máu, ít đau, giảm nguy cơ tai biến và mau hồi phục. Công nghệ này giải quyết được những hạn chế của phẫu thật mổ mở và nội soi cổ điển, đưa ngành phẫu thuật đến một đỉnh cao mới.
Trở thành nước thứ 4 ở châu Á sản xuất được vaccine sởi-rubella
Vaccine sởi-rubella đầu tiên được sản xuất thành công tại Việt Nam |
Ngày 8/11, Trung tâm Nghiên cứu, sản xuất vaccine và Sinh phẩm Y tế (Bộ Y tế) cho biết đã thử nghiệm lâm sàng thành công vaccine phối hợp sởi-rubella. Đây là vaccine sởi-rubella đầu tiên được chuyển giao công nghệ sản xuất thành công tại Việt Nam. Dự kiến, loại vaccine này sẽ được dùng trong chương trình Tiêm chủng mở rộng từ năm 2017.
Thông tuyến bảo hiểm y tế, chú trọng lợi ích của người bệnh
Bắt đầu từ ngày 01/01/2016, khi sử dụng thẻ bảo hiểm y tế, người bệnh đi khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế tuyến huyện trong cùng địa bàn tỉnh mà không bị giới hạn bởi địa điểm đăng ký đầu tiên và vẫn được thanh toán đúng mức bảo hiểm theo quy định. Đặc biệt, đối với khám chữa bệnh cùng tỉnh sẽ không cần giấy chuyển viện.
Những thay đổi mới này đã tạo điều kiện thuận lợi cho bệnh nhân về nhu cầu cũng như chi phí mà không cần thiết phải chuyển theo trình tự từ xã cho đến huyện. Không những vậy, thông tuyến bảo hiểm y tế còn là bước khởi đầu thúc đẩy nhanh chóng những thay đổi về chất lượng dịch vụ và chuyên môn giữa các cơ sở y tế.
Khoảng tối
Vaccine dịch vụ vẫn chưa hết “đau đầu”
Suốt từ cuối năm 2015 đến đầu năm 2016, Bộ Y tế vẫn đau đầu khi không thể giải quyết được tình trạng khan hiếm vắc xin cục bộ. Nhiều bậc phụ huynh như ''ngồi trên đống lửa'' khi con mình chưa được tiêm đủ số mũi nhắc lại vắc xin dịch vụ Pentaxim.
Dù đã duy trì việc đăng kí tiêm chủng dịch vụ qua mạng ở Hà Nội và TP.HCM nhưng thực tế có khi vài ngàn liều vắc xin Pentaxim đã hết nhẵn trong một phút. Để có được một mũi vắc xin dịch vụ cho con, nhiều gia đình đã phải xin nghỉ làm hay huy động cả anh em, bạn bè vào đăng kí hộ.
Sai sót y khoa có một không hai
Năm 2016, hàng loạt các sai sót y khoa mang tên "mổ nhầm chân'' đã khiến dư luận dậy sóng. Điều đang nói là không chỉ các bác sĩ ở các bệnh viện tuyến cơ sở mắc phải vấn đề này, mà ngay cả các bác sĩ ở bệnh viện đầu ngành như Việt Đức cũng ''đau chân phải mổ chân trái''.
Nguyên nhân của các sai sót y khoa này được kết luận là liên quan đến sự tắc trách, chủ quan khi làm việc của các bác sĩ. Đây thực sự là một hồi chuông báo động bởi tiếp sau những sai sót này rất có thể là tính mạng của nhiều người bệnh bị đe dọa.
Chưa thể chấm dứt cảnh nằm ghép
Tuy đã có nhiều quyết sách nhằm giảm tải bệnh viện nhưng tại một số bệnh viện lớn tại Hà Nội như Bệnh viện K, Bệnh viện Nội tiết TW, Bệnh viện Bạch Mai... tình trạng quá tải vẫn tồn tại gây nhiều bức xúc. Việc nằm ghép 4 người mỗi giường ở bệnh viện K hay chen ngang khi khám bệnh là những nội dung người dân trực tiếp nêu ra với Bộ trưởng Tiến trong nhiều cuộc tiếp xúc.
Nguyên nhân của sự quá tải bệnh viện này chính là thái độ và trình độ của bệnh viện tuyến dưới còn chưa đáp ứng được mong muốn của nhân dân.
Thấp thỏm giá viện phí
Sau lần tăng giá viện phí đầu tiên vào tháng 3/2016, người dân lại thấp thỏm với thông tin tiếp tục tăng viện phí với 1800 dịch vụ vào tháng 8. Mặc dù sau đó, việc tăng giá viện phí đã được Bộ Y tế và Bảo hiểm xã hội Việt Nam lùi lại, nhưng đến nay mốc thời gian tăng vẫn chưa được xác định. Với nhiều người bệnh, câu hỏi tăng viện phí liệu có tăng chất lượng khám chữa bệnh không luôn thường trực và câu trả lời thì vẫn đang bỏ ngỏ.
Nhức nhối vấn đề rác thải y tế
Thay vì phải tiêu hủy, rác thải y tế độc hại được “âm thầm” phân loại ngay tại BV Bạch Mai (Hà Nội) để chuyển cho một đường dây thu gom – là thông tin gây sốc với nhiều người. Vấn đề khiến dư luận hoang mang là rác thải y tế của bệnh viện được tuồn ra ngoài sẽ đi đâu, về đâu? Có bao nhiêu bệnh viện có tình trạng như ở Bệnh viện Bạch Mai?
Rác thải y tế bị “lọt” ra bên ngoài rất dễ lại được tái chế thành những sản phẩm như; thìa nhựa, cốc chén nhựa…, những sản phẩm này vẫn được người dân sử dụng.