Ngăn nạn cưỡng hiếp, Ấn Độ tuyển nữ tài xế taxi
Phụ nữ Ấn Độ thường xuyên phải đối mặt với các vụ tấn công và hãm hiếp khi tham gia dịch vụ giao thông công cộng hàng ngày |
Vụ hãm hiếp tập thể kinh hoàng trên xe bus hồi tháng 12 năm ngoái cướp đi sinh mạng của một nữ sinh trường y (23 tuổi) đã thổi bùng ngọn lửa khiếp sợ trong cộng đồng nữ giới tại Ấn Độ - những người phải thường trực đối mặt với các mối đe dọa như tấn công và hãm hiếp khi tham gia hoạt động giao thông hàng ngày.
Để xoa dịu tình hình, một nhóm phụ nữ đã tình nguyện tham gia lực lượng bảo vệ nữ giới Ấn Độ do tổ chức phi lợi nhuận Sakha Consulting Wing tài trợ với tôn chỉ nhắm tới và phục vụ khách hàng là nữ giới bằng cách thành lập đội nữ tài xế taxi với tên gọi "Taxi cho phụ nữ bởi phụ nữ" tại thủ đô New Delhi.
New Delhi vốn đã bị mang tiếng là "thủ đô hiếp dâm" – một trong những khu vực được đánh giá là thiếu an toàn với phụ nữ trong nhiều năm qua.
Kết quả của cuộc nghiên cứu năm 2010 do chính phủ Ấn Độ tài trợ đã cho thấy cứ 3 phụ nữ sinh sống tại thành phố New Delhi thì có tới 2 người "từng phải trải qua nhiều hành vi quấy rối tình dục trong năm 2009 đặc biệt việc di chuyển bằng xe bus là phương tiện nguy hiểm nhất với phụ nữ".
Tuy nhiên 3 năm sau, vấn nạn trên vẫn không hề được cải thiện. Theo thời báo Hindustan, hồi cuối tuần trước, Tòa án Tối cao Ấn Độ khẳng định "không một khu vực nào tại thành phố New Delhi là an toàn với phụ nữ".
Trước khi xảy ra vụ hãm hiếp nữ sinh 23 tuổi, hoạt động của nhóm nữ tài xế taxi thường bị bó hẹp song giờ đây, ngày càng nhiều người tham gia và sử dụng dịch vụ này.
"Tôi cảm thấy tự hào được phục vụ cho khách hàng là nữ giới bởi tôi cũng là một phụ nữ. Công việc của chúng tôi không chỉ hỗ trợ mà còn bảo vệ phụ nữ tại New Delhi", nữ tài xế Shanti Sharma (31 tuổi) chia sẻ.
Các nữ tài xế sẽ không phải chịu áp lực kiếm tiền như ngành dịch vụ taxi mà nam giới là lực lượng lao động chính. Ngoài ra, dịch vụ này cũng sẽ giảm bớt nguy hiểm cho cả hành khách và bản thân người lái bởi nhiều nam tài xế thường liếc nhìn khách hành nữ giới khi họ ngồi trên xe.
Thực tế, mỗi nữ tài xế thuộc tổ chức Sakha Consulting Wing còn được tham gia lớp tập huấn tự vệ do cảnh sát Ấn Độ hướng dẫn.
Hồi tháng 1/2011, thành phố Mumbai của Ấn Độ cũng đã phát động dịch vụ Taxi Viira chuyên tuyển các nữ tài xế phục vụ hành khách. Mô hình này đã trở nên khá phổ biến tại các nước như Singapore, Indonesia và Ai Cập.