Ngân hàng Trung Quốc 'tháo chạy' khỏi Anh
Các quy định khắt khe đã buộc ngân hàng Trung Quốc chuyển sang hoạt động tại Luxembourg |
Theo Financial Times, các ngân hàng Trung Quốc tỏ ra không bằng lòng với sự điều tiết không đồng đều và cả những quy định thanh khoản "khắt khe" của chính phủ Anh.
Trong một bức thư gửi tới Financial Times thay mặt cho Hiệp hội Ngân hàng nước ngoài có viết: "Trung Quốc ngày càng gặp phải nhiều trở ngại trong hoạt động kinh doanh tại Anh trong môi trường quản lý hiện nay".
Kể từ giai đoạn bùng nổ cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, các ngân hàng thuộc sở hữu nhà nước như Ngân hàng Công Thương Trung Quốc, Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc và Ngân hàng Nông nghiệp Trung Quốc đều mở rộng trụ sở tại London, Anh.
Trong khi đó, Luxembourg vốn nổi tiếng là một thị trường kinh doanh với những quy định "nhẹ nhàng" hơn, do đó, Trung Quốc không chỉ tăng cường hoạt động kinh doanh tại quốc gia này nhiều gấp 3 lần so với London mà còn đưa Luxembourg trở thành trụ sở quản lý mọi hoạt động ngân hàng trên toàn châu Âu.
Rào cản chính mà các ngân hàng Trung Quốc vấp phải là việc Cơ quan Quản lý tài chính Anh (FSA) từ chối cho họ thành lập nhiều chi nhánh tại London. Kể từ năm 2008, FSA đã giảm một lượng lớn cấp phép thành lập chi nhánh, đặc biệt là những trường hợp không đáp ứng được quy định của nước sở tại.
Ngân hàng Trung Quốc hoạt động tại Anh thường thông qua các chi nhánh công ty được quản lý theo phương thức như tại Trung Quốc gắn với các tiêu chuẩn chặt chẽ về sự minh bạch, hỗ trợ vốn và hỗ trợ thanh khoản. Tuy nhiên, do tầm ảnh hưởng ngày càng lớn của các ngân hàng Trung Quốc trên khắp thế giới mà FSA đã quyết định hạn chế hoạt động của các nhà đầu tư này.