Ngân hàng số, xu hướng tất yếu trong tương lai của ngành ngân hàng?
Phát biểu tại Hội thảo “Ngân hàng số – Tương lai của ngành ngân hàng” ngày 11/11, ông William Anthony Jennings – Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Viện BTCI cho rằng, đây là giai đoạn công nghệ số của các ngân hàng. Trong thời gian tới chúng ta sẽ chứng kiến sự vận hành của hệ thống ngân hàng số.
"Có tới 50% khách hàng nói rằng họ muốn chuyển sang nền tảng công nghệ số. Vì vậy, tôi cho rằng, các ngân hàng nên xem xét và lựa chọn hướng đi cho ngân hàng của mình trong tương lai", ông William Anthony Jennings nói.
Ảnh minh họa |
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam- Đào Minh Tú cũng cho biết, người tiêu dùng đang ngày càng lựa chọn số hoá và sử dụng các thiết bị thông minh. Với sự phát triển ngày càng phổ biến của công nghệ, đòi hỏi các ngành các lĩnh vực phải thay đổi đáp ứng được nhu cầu này, trong đó hoạt động của ngân hàng tài chính đang đặt ra mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Các sản phẩm ngân hàng ứng dụng công nghệ số có ý nghĩa khách quan và đây là một lợi thế cạnh tranh hữu hiệu của ngành ngân hàng trong tương lai.
Hệ thống ngân hàng Việt Nam tiến tới ngân hàng số vừa là cơ hội vừa là thách thức, vừa là động lực cho ngành ngân hàng phát triển. Ngân hàng số là loại hình có nhiều điểm khác với ngân hàng mới, khác với mô hình ngân hàng truyền thống từ phương thức sản xuất sản phẩm, pháp lý, dịch vụ khách hàng…. đòi hỏi các ngân hàng phải học hỏi kinh nghiệm và phát triển.
Theo ông Phan Thái Dũng – Phó Cục trưởng Cục Công nghệ Tin học, Ngân hàng Nhà nước, thách thức về an ninh của ngân hàng số đó là thủ đoạn tội phạm tấn công vào các tổ chức ngân hàng ngày càng đa dạng và phức tạp; hình thức phát tán virus, mã độc tinh vi, đa dạng như qua email, phần mềm miễn phí, mạng xã hội ảo hay qua phần mềm được sử dụng rất phổ biến như bộ gõ unikey, đọc file PDF, ảnh… Ngoài lừa đảo trực tuyến, còn sử dụng một số thủ đoạn như sử dụng các thiết bị gắn vào ATM/POS hoặc cài phần mềm gián điệp, mã độc tấn công vào ATM, hệ thống thẻ để ăn cắp thông tin về tài khoản thẻ của khách hàng, làm thẻ giả rút tiền: mua bán, sử dụng trái phép thông tin thẻ…
Theo ông Dũng, phần lớn các tổ chức tín dụng cũng đã trang bị các giải pháp tăng cường an toàn, an ninh mạng như hệ thống quản lý sự kiện an ninh, hệ thống phòng chống thư rác, hệ thông lọc nội dung web, hệ thống quản lý file nhật ký, hệ thống đánh giá điểm yếu về ứng dụng mạng và chữ ký số PKI. Một số ứng công nghệ internet banking hầu hết ngân hàng nào cũng sử dụng. Việc test mống mắt, mạch máu, giọng nói… cũng bắt đầu được ngân hàng sử dụng.
Ông Douglas Jackson – Giám đốc khu vực Đông Nam Á, Tập đoàn Tư vấn quản trị toàn cầu Boston Consulting Group (BCG) cho rằng, áp dụng ngân hàng số là xu hướng rất tốt cho ngân hàng tuy nhiên từng ngân hàng cũng nên xem xét về khả năng để có thực hiện được hay không. BCG đã thực hiện một nghiên cứu trên 200 khách hàng là các định chế tài chính để thấy những khó khăn của họ khi áp dụng ngân hàng số, đó là: thiếu tầm nhìn – các ngân hàng có rất nhiều lộ trình nhưng không có một tầm nhìn chung về kỹ thuật số; giải pháp cục bộ – giao diện và hệ thống không được tích hợp; hạ tầng cũ lỗi thời – quy trình xử lý và hệ thống rời rạc, cũ kỹ; nghiệp vụ không đáng tin cậy – không có khả năng đáp ứng tốc độ số với đủ độ tin cậy; khả năng truy cập dữ liệu đa kênh kém – dữ liệu thường xuyên không có sẵn và không được cập nhật.
Tuy nhiên, ông cho rằng, nếu phần lớn chướng ngại chung có thể vượt qua thì lợi ích thực hiện ngân hàng số là rất lớn, thể hiện: doanh thu tăng trên xấp xỉ 25% đồng thời tăng thị phần; hiệu quả hoạt động chuyển biến nhờ tăng năng suất và giảm chi phí hơn 20%; sản phẩm độc đáo, giá trị cao, cung cấp cho khách hàng với tốc độ đột phá và chất lượng đột phá; duy trì bền vững lợi thế cạnh tranh so với những đối thủ không có khả năng cạnh tranh tính năng số hoá xuyên suốt; mô hình số đủ chín muồi để tiếp cận thị trường mới, khách hàng mới, không để bị lỗi thời…