Ngân hàng Quốc dân muốn tăng nguồn thu từ bán bảo hiểm, tăng vốn điều lệ
gân hàng TMCP Quốc Dân (NCB) dự kiến sẽ tổ chức Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2023 vào ngày 8/4 tới.
Đến thời điểm này, ngân hàng đã công bố một số tài liệu phục vụ ĐHĐCĐ, trong đó có dự thảo Nghị quyết ĐHĐCĐ thường niên 2023.
ĐHĐCĐ dự kiến sẽ thông qua phương án tăng vốn điều lệ của ngân hàng NCB, tuy nhiên chi tiết phương án tăng vốn điều lệ chưa được công bố. Trước đó, năm 2022 ngân hàng đã tăng vốn điều lệ lên hơn 5.601 tỷ đồng.
ĐHĐCĐ cũng sẽ thông qua đơn xin từ nhiệm của hai thành viên BKS là bà Trần Thị Hương Giang và bà Trần Thị Minh Huệ, đồng thời bầu bổ sung thành viên BKS là bà Đỗ Thị Minh Đức (SN 1975, đang là Phó Tổng giám đốc NCB) và ông Nguyễn Văn Quang (SN 1989, hiện là Trưởng phòng Thanh tra Tài chính Kế toán Tập đoàn Sun Group).
Theo đánh giá của HĐQT NCB, 2022 là năm của sự thay đổi và cũng là năm ngân hàng phải tập trung vừa ổn định nội tại, vừa nỗ lực linh hoạt hơn trước những thách thức khách quan.
Trong năm 2022, mảng khách hàng cá nhân ghi nhận 5,7 triệu giao dịch, tăng 1,5 lần so với năm 2021, trong đó ngân hàng đã phát hành 8.200 thẻ tín dụng với tỷ lệ chi tiêu 88%.
Năm 2022, NCB hoạt động cho vay có sự chuyển dịch về cơ cấu theo xu hướng tăng cường phục vụ nhu cầu đời sống, tiêu dùng của khách hàng cá nhân. Dư nợ phân khúc khách hàng cá nhân tăng 7.000 tỷ đồng (45%) so với năm 2021, đạt trên 22.000 tỷ đồng. Trong đó, tập trung chính vào việc phục vụ nhu cầu tiêu dùng, trang trải cuộc sống của khách hàng, chiếm tỷ trọng khoảng 92% dư nợ khách hàng cá nhân.
Đáng chú ý, hoạt động phân phối bảo hiểm qua ngân hàng (bancassurance) đã được NCB triển khai mạnh mẽ, mang lại doanh số 117 tỷ đồng chỉ trong 9 tháng năm 2022. Năm 2023 ngân hàng có đối tác bảo hiểm nhân thọ mới, hứa hẹn sẽ đem lại doanh số bancassurance cao hơn.
Đó cũng là cơ sở để ngân hàng đặt mục tiêu năm 2023 sẽ chuyển dịch cơ cấu doanh thu từ thu lãi sang thu phí bằng cách đa dạng hóa các sản phẩm như thu phí, bổ sung các sản phẩm đầu tư; bảo hiểm nhân thọ và bảo hiểm sức khỏe.
Tính đến 31/12/2022, tỷ lệ dự trữ thanh khoản được NCB duy trì ở mức 24,09%; tỷ lệ tối đa của nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung hạn và dài hạn 18,1%. Kết quả này cho thấy ngân hàng đang duy trì một bộ đệm thanh khoản vững chắc có khả năng chống chịu tốt trước những biến động trên thị trường.
Về kết quả kinh doanh cụ thể, năm 2022, ngân hàng đạt 309,313 tỷ đồng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh, sau khi trích lập dự phòng rủi ro, lợi nhuận trước thuế đạt 1,238 tỷ đồng.
Trong năm 2022, NCB đã kiện toàn nhân sự cấp cao với việc bổ nhiệm 4 phó tổng giám đốc (TGĐ) gồm, ông Tạ Kiều Hưng - Phó TGĐ kiêm Giám đốc Khối KHCN; bà Đỗ Thị Đức Minh - Phó TGĐ; ông Nguyễn Đức Hiếu - Phó TGĐ kiêm Giám đốc Khối Nguồn vốn & Thị trường tài chính; bà Phạm Thị Hiền - Phó TGĐ kiêm Giám đốc Khối Quản trị rủi ro.
NCB vẫn đang trong quá trình tái cơ cấu, do đó định hướng kinh doanh năm 2023 vẫn phải quyết liệt trong công tác thu hồi, xử lý nợ có vấn đề. Ngân hàng sẽ có phần mềm xử lý nợ để hỗ trợ công tác xử lý nợ có vấn đề, tối ưu việc xử lý tài sản xử lý nợ.
Năm 2023, NCB đặt mục tiêu thu phí hơn thu lãi nên nhà băng này sẽ đẩy mạnh việc thu hút khách hàng cá nhân thuộc phân khúc cao cấp, các khách hàng trẻ ưa thích các sản phẩm dịch vụ số.
Đồng thời, ngân hàng đặt mục tiêu tổng tài sản 94.500 tỷ đồng, huy động khách hàng 78.000 tỷ đồng, cho vay khách hàng 57.700 tỷ đồng, lợi nhuận trước trích lập 16 tỷ đồng, quy mô khách hàng đạt 1 triệu khách trong năm nay.
Năm 2022 ngân hàng đã chi 14,423 tỷ đồng để trả thù lao cho HĐQT và BKS. HĐQT đề xuất mức thù lao cho HĐQT và BKS năm 2023 là 16,1 tỷ đồng (tương đương kế hoạch lợi nhuận của cả năm). Trong đó, thù lao của HĐQT là 11,8 tỷ đồng, thù lao của BKS là 4,3 tỷ đồng.
HĐQT Ngân hàng NCB gồm có 5 thành viên do bà Bùi Thị Thanh Hương làm chủ tịch, còn BKS gồm 3 thành viên.
Tuân Nguyễn