Ngắm cây thị gần 500 tuổi vẫn xanh tươi, gốc 4 người ôm, quả chín thơm ngào ngạt
Dù trải qua bao sương gió, bom đạn thời chiến tranh nhưng gần 500 năm nay, cây thị của dòng họ Phạm (thôn Phương Trứ, xã Cẩm Duệ, huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) vẫn tươi tốt. Cứ vào mùa, cây lại cho quả chín mọng, thơm ngào ngạt.
Trong khuôn viên nhà thờ họ Phạm (thôn Phương Trứ, xã Cẩm Duệ, huyện Cẩm Xuyên) có một cây thị cổ thụ, cành lá sum suê phủ kín cả khoảng vườn. Cây thị này đã được công nhận là Cây di sản Việt Nam vào tháng 6/2021.
Theo lời kể của người đại diện dòng họ, cây thị có từ năm 1559, do ông tổ họ Phạm trồng, đến nay có tuổi đời 462 năm.
Cây cao 20m, chu vi gốc cây 7,5m, đường kính thân cây 2,3m, phải 4 người lớn dang tay ôm mới xuể.
Phần gốc cây thị u nổi những vòng xoắn vững chãi.
Mặc dù có tuổi đời hàng trăm năm nhưng cây vẫn tươi tốt lạ thường. Tán cây rộng, bao trùm cả khuôn viên sân vườn.
Cây mục rỗng bên trong, nhiều phần khô cứng nhưng bên ngoài vẫn đầy sức sống, xanh tốt. Trong thời kỳ chống Pháp, cây thị là nơi tập kết hàng hóa. Còn thời kỳ chống Mỹ, đây là nơi che chở cho bộ đội núp bóng quân thù.
Nhiều loại thực vật sống kí sinh trên những cành thị lâu năm.
Mùa thị chín từ cuối tháng 6 đến rằm tháng 7 âm lịch. Những ngày này, thị chín mọng, nổi bật sắc vàng trên cây, tỏa mùi thơm ngào ngạt khắp vườn.
Cây thị của dòng họ Phạm khá nhiều quả, chín đều đến hết mùa thu.
Mỗi mùa quả chín, những đứa trẻ lại nhặt quả rụng, thưởng thức hương vị mùa thu dưới tán lá sum suê cao lớn.
Để hái được quả trên cây thị cao lớn, người nhà đã phải dùng riêng một cây sào dài.
Mỗi năm, cây thị này có thể thu hoạch được cả tạ quả.
Cây thị cổ thụ gắn liền với nhiều thế hệ trẻ em trong dòng họ.
Ông Phạm Văn Cự (đại diện dòng họ Phạm) cho biết: “Từ bao đời nay, chúng tôi vẫn xem cây thị này như một biểu tượng của dòng họ. Cây thị không chỉ có ý nghĩa về lịch sử mà còn mang đậm giá trị về văn hóa gắn liền với Phạm tộc và xã Cẩm Duệ. Vì vậy, mỗi thành viên trong dòng họ đều hết lòng chăm sóc, bảo quản chu đáo”.
Theo baohatinh.vn