Nga và Mỹ "chạy đua" nâng cấp vũ khí hạt nhân
Tạp chí Bulletin of Atomic Scientist của Mỹ cho biết, hoạt động cải tiến này sẽ được áp dụng cho tất cả các loại vũ khí hạt nhân chiến lược và phi chiến lược (tổng cộng có 4.500 đầu đạn). Quá trình hiện đại hóa bao gồm thay thế toàn bộ tên lửa đạn đạo xuyên lục địa có từ thời Liên Xô bằng những loại tên lửa mới nhất.
Nga và Mỹ đang cùng lúc nâng cấp các loại vũ khí hạt nhân của mình. |
Bên cạnh đó, quá trình nâng cấp cũng bao gồm cả việc phát triển và hạ thủy tàu ngầm phóng tên lửa lớp Borei. Trong vòng 1 thập kỷ tới, Moscow dự kiến sẽ thay thế hai lớp tàu ngầm cũ bằng các tàu Borei tân tiến. Tàu sẽ được trang bị các thiết bị điện tử được cải tiến cùng một số tính năng khác.
Tuy nhiên, Nga không phải là nước duy nhất có mong muốn nâng cấp vũ khí hạt nhân. Mỹ cũng có kế hoạch cải tiến kho vũ khí và đưa ra những phương tiện mới với mục đích giúp việc sử dụng các loại vũ khí hạt nhân một cách hiệu quả hơn mà không cần phải chế tạo đầu đạn mới.
“Mặc dù Mỹ không triển khai các loại khí tài chiến lược trong một thời gian dài, chúng ta đang nâng cấp các loại vũ khí hạt nhân đang có một cách thường xuyên, bao gồm động cơ tên lửa mới, hệ thống dẫn đường cho tên lửa Minuteman, thay thế linh kiện cho các máy bay B-52, v.v...”, ông Matthew Bunn, một chuyên gia vũ khí hạt nhân tại trường đại học Harvard cho biết.
Kế hoạch hiện đại hóa này của Mỹ dự kiến sẽ tốn tổng cộng 348 tỉ USD trong vòng một thập kỷ tới, theo ước tiính của Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ.
Tuy nhiên, tổng chi phí có thể lên đến 1 nghìn tỷ USD trong vòng 3 thập kỷ tới do chi phí bảo dưỡng, theo một báo cáo từ Trung tâm Nghiên cứu Vũ khí hạt nhân James Martin.
Một khu vực huấn luyện bảo dưỡng tên lửa Minuteman 3 của Mỹ. |
Quá trình hiện đại hóa này đang châm ngòi cho chuỗi sự kiện mà John Mecklin, tổng biên tập của tạp chí Bulleting of Atomic Scientists, gọi là “một cuộc chạy đua vũ trang mới”.
“Đây là cuộc đua nhấn mạnh sự phát triển về công nghệ”, ông Mecklin trả lời hãng tin BBC. “Các nước có vũ khí hạt nhân muốn đảm bảo rằng không ai trong số họ có ưu thế hơn ai về mặt công nghệ”.
Có thể thấy rằng Mỹ và Nga đang cạnh tranh nhau trong việc nâng cấp vũ khí hạt nhân. Trong lúc Nga đang cải tiến số lượng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa và các loại tên lửa phóng từ tàu ngầm, Mỹ đang thay thế hệ thống tên lửa, tàu ngầm và oanh tạc cơ thế hệ tiếp theo để sử dụng vũ khí hạt nhân.Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin từ tờ Business Insider, một trang tin công nghệ lớn của Mỹ. Business Insider nổi tiếng bởi các bài viết tổng hợp từ nhiều nguồn tin với các chủ đề nổi trội liên quan đến công nghệ, chính trị, quân sự…