Nga và Belarus hợp tác phát triển hệ thống tên lửa tầm ngắn mới
Ảnh minh họa |
RIA Novosti dẫn tuyên bố của Giám đốc điều hành Cục thiết kế cơ khí chính xác mang tên A.E Nudelman, ông Vladimir Slobodchikov cho biết kể từ năm 2016, Nga và Belarus sẽ hợp tác phát triển tổ hợp tên lửa phòng không tầm ngắn mới.
“Chúng tôi đang chuẩn bị khởi động dự án hợp tác phát triển tổ hợp tên lửa phòng không tầm ngắn hoàn toàn mới giữa Nga và Belarus.
Thông tin chi tiết về dự án này sẽ được cung cấp trong tương lai gần”, ông Vladimir Slobodchikov nói.
Hiện tại, Belarus được biết đến là nơi nâng cấp các gói vũ khí phòng không, trong đó có tên lửa phòng không tầm ngắn, được sản xuất từ thời Liên Xô hiện đang có mặt trong quân đội của nhiều quốc gia trên thế giới.
Một số gói nâng cấp nổi tiếng của Belarus được biết tới là gói T38 Stilet (nâng cấp của tổ hợp tên lửa phòng không tầm ngắn Osa với tên lửa T382 của Ukraine, Alebartu (nâng cấp của tổ hợp S-125 Pechora-2BM) và Buk-MB (nâng cấp của tổ hợp 9K37 Buk).
Trong khi đó, Cục thiết kế cơ khí Nudelman là nơi phát triển chủ yếu các dòng đạn tên lửa phòng không tầm thấp của Nga như: Strela-1, Strela-10, Sosna và tổ hợp pháo - tên lửa sử dụng môđun Palma.
Theo ông Vladimir Slobodchikov, việc Nga và Belarus hợp tác phát triển hệ thống tên lửa phòng không tầm ngắn mới sẽ tận dụng được nền tảng công nghệ là thế mạnh của hai bên và giảm được chi phí phát triển.
Cũng theo ông Slobodchikov, các tổ hợp tên lửa phát triển dưới thời Liên Xô được phân tán tại nhiều nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ.
Từ sau năm 1991, Nga gặp nhiều khó khăn trong việc phát triển, nâng cấp các tổ hợp vũ khí hiện có do phải bắt tay làm lại từ đầu, dẫn đến việc tăng chi phí và mất thời gian phát triển.