Nga-Trung ký thỏa thuận xuất khẩu dầu trị giá 60 tỷ USD
Trong những năm gần đây Nga đã từng bước mở nguồn dầu cho Trung Quốc. Trong khi đó, tổng sản lượng dầu của Nga vẫn giữ nguyên và doanh số bán dầu sang các nước đang suy thoái kinh tế ở Châu Âu giảm.
Cho biết sau cuộc họp với Phó Thủ tướng Trung Quốc Trương Cao Lệ , Tổng thống Nga Vladimir V. Putin nói: "Không có bất kỳ sự phóng đại nào, Rosneft đang chuẩn bị một hợp đồng có quy mô lớn”. Ông cho biết, nguồn dầu cung cấp cho Trung Quốc dự kiến sẽ đạt tới "khối lượng hàng trăm triệu tấn dầu, với tổng giá trị hơn 60 tỷ USD".
Phó Thủ tướng Trung Quốc, Trương Cao Lệ (Zhang Gaoli) (trái) gặp gỡ Tổng thống Nga, Vladimir Putin, để thảo luận về hợp đồng cung cấp dầu thô hôm 20/6. |
Nga hiện là nước sản xuất dầu mỏ lớn nhất trên thế giới, với khoảng 10 triệu thùng mỗi ngày, nhiều hơn một chút so với Ả-rập Xê-út.
Hiện nay, Nga đang xuất khẩu khoảng một phần năm sản lượng dầu tới châu Á. Đường ống dẫn dầu trực tiếp đến Trung Quốc, xuyên Siberia đã được hoàn thành năm 2010.
Ông Putin nói với ông Trương Cao Lệ rằng ông hy vọng hai công ty khí đốt của Nga, Gazprom và Novatek, cũng có những thỏa thuận xuất khẩu năng lượng tương tự tới Trung Quốc. Các nhà phân tích năng lượng cho biết Rosneft cũng đã đàm phán với các công ty Trung Quốc để hình thành liên doanh khoan dầu trong khu vực của Nga ở Bắc Băng Dương.
Thỏa thuận Rosneft là thỏa thuận mới nhất trong một loạt các giao dịch tài chính giữa các công ty năng lượng của Nga và Trung Quốc.
Ngay từ năm 2005, Rosneft đã phải vay 6 tỷ USD từ các ngân hàng nhà nước Trung Quốc như một khoản tiền trả trước cho xuất khẩu dầu. Công ty này đã sử dụng khoản tiền này để thâu tóm một đơn vị sản xuất lớn nhất của công ty dầu Yukos.
Năm 2009, các ngân hàng Trung Quốc cũng cho Rosneft vay 25 tỷ USD để hoàn thành đường ống dẫn dầu xuyên qua Siberia, được gọi là đường ống Đông Siberia-Thái Bình Dương.Theo các điều khoản của thỏa thuận, các ngân hàng này sẽ được hoàn trả 2,5 tỷ thùng dầu trong 20 năm từ năm 2010 đến năm 2030.
Cả hai bên đều được hưởng lợi. Khối lượng dầu này chiếm tới 4% nhu cầu dầu mỏ của Trung Quốc trong giai đoạn này. Về phía Nga, khoản vay giúp ổn định khủng hoảng cán cân thanh toán của Nga trong cuộc suy thoái bắt đầu năm 2008.
Thỏa thuận mới nhất trên với Trung Quốc có thể sẽ cho phép chính phủ Nga trì hoãn kế hoạch tư nhân hóa 19% cổ phần của Rosneft, tạo ra mối quan hệ tài chính chặt chẽ hơn với Trung Quốc,giúp Nga vượt suy thoái kinh tế hiện nay.