Nga – Trung động thổ xây đường ống khí đốt lớn nhất thế giới
Buổi lễ động thổ hôm 1/9 đã có sự tham gia của Tổng thống Nga Vladimir Putin và Phó Thủ tướng Trung Quốc Trương Cao Lệ.
“Đường ống dẫn khí đốt mới thể hiện mối quan hệ hợp tác kinh tế tăng cường giữa các nước trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương và trên hết là đối tác chiến lược của chúng tôi, Trung Quốc”, RT dẫn lời ông Putin phát biểu trong biểu lễ được tổ chức tại ngoại ô thành phố Yakutsk, thủ phủ của nước Cộng hòa Yakutia thuộc Nga hôm 1/9.
PhóThủ tướng Trung Quốc Trương Cao Lệ (trái) và Tổng thống NgaVladimir Putin (giữa) tham gia lễ động thổ xây dựng phần đầu dự án"Năng lượng Siberia". |
Đường ống dẫn dài 3.968 km nối các mỏ khai thác khí đốt tại khu vực Đông Siberia tới Trung Quốc sẽ là mạng lưới cung cấp nhiên liệu lớn nhất trên thế giới với tổng vốn đầu tư hơn 70 tỷ USD của hai nước.
Chính thức đi vào hoạt động từ năm 2019, đường ống dẫn "Năng lượng Siberia" sẽ bơm khí đốt từ Siberia tới khu vực đông dân cư phía đông bắc Trung Quốc cũng như vùng Viễn Đông của Nga. Theo Phó Thủ tướng Trung Quốc, nước này sẽ bắt tay xây dựng phần đầu dự án đường ống dẫn này vào nửa đầu năm 2015.
Hồi năm ngoái, lượng tiêu thụ khí đốt tự nhiên của Trung Quốc đã đạt 170 tỷ m3. Tính tới năm 2020, Trung Quốc sẽ tiêu thụ khoảng 429 tỷ m3 khí đốt/năm.
Giai đoạn đầu của dự án "Năng lượng Siberia" sẽ vận chuyển khí đốt từ mỏ khai thác Chayanda thuộc Cộng hòa Yakutia tới thị trấn Blagoveshchensk thuộc biên giới Trung Quốc. Dự kiến, đoạn đường ống dẫn dài 968 km này sẽ hoàn thành vào năm 2018.
Theo Tổng thống Putin, Trung Quốc có thể trở thành một cổ đông của các mỏ khai thác khí đốt và dầu mỏ Vankor thuộc vùng Krasnoyarsk tại Đông Siberia.
Bắc Kinh cũng đã thiết lập mối quan hệ chiến lược với Rosneft, công ty dầu mỏ lớn nhất nước Nga đồng thời là chủ sở hữu của Vankor. Theo ước tính, các mỏ khai thácVankor có trữ lượng lên tới 520 triệu m3 dầu mỏ và 95 tỷ m3 khí đốt tự nhiên.
Trước đó, hồi tháng Năm, tập đoàn Gazprom của Nga đã ký kết bản hợp đồng trị giá 400 tỷ USD để cung cấp khí đốt cho công ty CNPC của Trung Quốc.
Nội dung được thực hiện qua tham khảo hãng tin Russia Today (RT). RT hiện có khoảng 1.000 chuyên gia truyền thông trên toàn thế giới. RT chuyên nắm bắt những câu chuyện và vấn đề thường bị các phương tiện truyền thông bỏ qua để tạo ra những tin tức ở một khía cạnh rất khác biệt.