Nga sẵn sàng triển khai các hệ thống tác chiến điện tử để ‘răn đe’ NATO
Theo Avia.pro, Nga sẵn sàng sử dụng các hệ thống tác chiến điện tử hiện đại bao phủ toàn bộ châu Âu, trong trường hợp Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) từ chối tham gia đối thoại.
Việc Mỹ và NATO từ chối cung cấp cho Nga bất kỳ đảm bảo an ninh nào đang buộc Moscow phải thực hiện các biện pháp đối phó và sử dụng tiềm lực quân sự để buộc châu Âu đi đến một thỏa thuận. Một trong những phương tiện hiệu quả nhất là sử dụng các hệ thống tác chiến điện tử “độc nhất vô nhị” trên thế giới Murmansk-BN và Krasukha-4.
“Tổ hợp Murmansk-BN của Nga có khả năng gây nhiễu toàn bộ lãnh thổ châu Âu, chặn các chuyến bay quân sự tầm trung, làm gián đoạn liên lạc giữa các tàu NATO,... Đối với Krasukha-4, thì NATO thậm chí còn có nhiều vấn đề hơn nữa, nếu cần thiết toàn bộ phía Đông, Nam và Bắc của châu Âu có thể nhận thấy không có thông tin liên lạc di động, thiết bị định vị toàn cầu, thông tin liên lạc vệ tinh,… Liệu châu Âu có muốn điều này xảy ra? Rõ ràng là không!”, giới chuyên gia cho biết.
Hệ thống tác chiến điện tử Krasukha-4 của Nga đã thành công trong cuộc chiến chống lại tên lửa hành trình Tomahawk và máy bay không người lái Bayraktar TB2 của Thổ Nhĩ Kỳ. (Ảnh: RIA) |
Cho đến nay, cả Mỹ và NATO đều không đáp ứng các yêu cầu của Nga về đảm bảo an ninh, đây rõ ràng là một vấn đề đáng lo ngại.
Hệ thống tác chiến điện tử Murmansk-BN của Nga do Tập đoàn công nghệ vô tuyến - điện tử KRET, một bộ phận của Tổng công ty Nhà nước Rostec, phát triển, nhằm vô hiệu hóa Hệ thống thông tin liên lạc vệ tinh quân sự tần số cao (High Frequency Global Communications System - HFGCS) của phương Tây.
Murmansk-BN là phương tiện tác chiến điện tử chiến lược, có khả năng “làm choáng” và “mù” các phương tiện thông tin liên lạc, trinh sát và cảm biến vũ khí “thông minh” của đối phương ở khoảng cách 5.000 km (thậm chí lên tới 8.000 km - khi khả năng truyền tín hiệu lý tưởng trong khí quyển và ăng-ten đạt công suất cực đại), trong khi hầu hết các hệ thống tác chiến điện tử khác chỉ có hiệu quả ở khoảng cách đến 300 km.
Trong khi đó, tổ hợp Krasukha-4 là trạm dải tần rộng gây nhiễu âm thanh mạnh, module đa năng đặt trên mặt đất gây nhiễu dùng để bảo vệ các công trình cố định chống đài radar trên máy bay chỉ huy, điều khiển và quản lý chiến trường E-8C (Mỹ), chống đài radar trên máy bay chiến đấu, máy bay trinh sát, máy bay không người lái loại RQ-4 Global Hawk hay Predator và đài radar trên vệ tinh trinh sát Lakross.
Krasukha-4 là một biến thể hiện đại hóa của hệ thống tác chiến điện tử Krasuha-2, có khả năng phát hiện và theo dõi các mục tiêu trên không và trong trường hợp cần thiết nó có thể tạo nhiễu để làm rối loạn hệ thống tác chiến của đối phương, bán kính hoạt động của hệ thống vượt quá 300 km.
Trước đó, Bộ Ngoại giao Nga đã công bố các đề xuất của Moscow với Mỹ và NATO về đảm bảo an ninh. Các tài liệu đã được chuyển cho phía Washington và các đồng minh.
Một trong những yêu cầu của Nga là NATO cần đảm bảo không mở rộng quân sự sang lãnh thổ Ukraine.
Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Ryabkov khi đó khẳng định, nếu NATO và Mỹ không đáp ứng yêu cầu của Nga về đảm bảo an ninh, điều này có thể dẫn đến “đối đầu mới”.
Mới đây, theo Thứ trưởng Ngoại giao Nga Andrey Rudenko, Moscow sẽ xem xét tất cả các lựa chọn - bao gồm cả việc triển khai vũ khí hạt nhân ở Belarus nếu NATO từ chối thảo luận về các đề xuất an ninh.
Ông Rudenko nhấn mạnh, việc Mỹ đưa quân đến Ukraine sẽ khiến tình hình trở nên căng thẳng. Moscow hy vọng Washington hiểu được hậu quả nghiêm trọng của việc này.
“Chúng tôi tin rằng những động thái như vậy sẽ chỉ dẫn đến sự leo thang hơn nữa tình hình xung quanh Ukraine và trong mối quan hệ của chúng tôi với phương Tây nói chung, bao gồm cả Mỹ”, ông Rudenko nói.
Thanh Bình (lược dịch)
Chiến đấu cơ của Nga lọt vào top 10 thành tựu lớn trong lĩnh vực hàng không quân sự
Máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 mới nhất của Nga Checkmate mới đây đã lọt vào danh sách những thành tựu quan trọng nhất trong lĩnh vực hàng không quân sự.