Nga sẵn sàng hợp tác với Mỹ về vấn đề Triều Tiên
Tên lửa Triều Tiên |
Theo Ria Novosti, hôm thứ Tư (7/6), phát biểu trước các phóng viên, Chủ tịch Hội đồng Liên bang Nga (Thượng Viện) Valentina Matvienko cho biết, Nga sẵn sàng hợp tác với Mỹ về vấn đề Triều Tiên, nhưng chỉ bằng cách thông qua phương tiện chính trị và ngoại giao.
Trước đó, Bộ Ngoại giao Mỹ kêu gọi Moscow cùng với Washington gây áp lực lên Triều Tiên.
Bà Matvienko nhấn mạnh: "Chúng tôi đã nhận được nhiều lời kêu gọi khác nhau từ phía Mỹ, tuy nhiên điều đó chỉ có ý nghĩa khi nào Washington hình thành được chính sách ngoại giao".
Bà Valentina Matvienko tin rằng, tất cả các điểm nhấn của vấn đề chính trị quốc tế sẽ được đặt ra trong cuộc họp của hai nhà lãnh đạo Nga và Mỹ. Nữ nghị sĩ cũng khẳng định rằng, đối với CHDCND Triều Tiên thì "Nga và Mỹ đều có quan điểm tương đồng, Nga cũng phản đối việc mở rộng nhóm các quốc gia hạt nhân".
Tuy nhiên, việc đe dọa và gây áp lực đối với chính phủ Triều Tiên có thể làm cho tình hình đi vào ngõ cụt - Thượng nghị sĩ Valentina Matvienko nhận định. Bà Matvienko cho biết: "Chúng ta cần phải giải quyết vấn đề này bằng các biện pháp chính trị và ngoại giao".
Chủ tịch Thượng viện khẳng định, "Nga sẵn sàng hợp tác với Hoa Kỳ, cũng như sẵn sàng thỏa thuận về hình thức và phương pháp (hợp tác)", nhằm gây áp lực để lãnh đạo Triều Tiên từ bỏ chương trình hạt nhân của mình.
Các cuộc đàm phán sáu bên về vấn đề phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên đã bắt đầu từ tháng 8/2003 với sự tham dự của các nhà ngoại giao cấp cao của Nga, Triều Tiên, Hàn Quốc, Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản.
Kết quả là, Triều Tiên không chỉ đóng băng chương trình hạt nhân của mình, mà còn bắt đầu tháo dỡ các lò phản ứng trong một trung tâm thử nghiệm ở Yongbyon.
Tuy nhiên, kể từ năm 2008 cuộc đối thoại thực sự đi vào bế tắc sau khi Mỹ và Triều Tiên thất bại trong việc thỏa thuận về cách thức kiểm tra danh sách các chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng, trong khi đó Nhật Bản và Hàn Quốc từ chối thực hiện nghĩa vụ của mình trong việc cung cấp nhiên liệu cho Triều Tiên vận hành các nhà máy điện thông thường để đổi lấy việc từ bỏ chương trình hạt nhân.