Nga quay trở lại danh sách top 3 "ông lớn" chi tiêu nhiều cho quốc phòng
CNN đưa tin, mức tăng 5,9% trong chi tiêu quốc phòng 2016 của Nga chỉ đứng sau Hoa Kỳ và Trung Quốc trong danh sách những quốc gia tiêu nhiều nhất cho quân sự. Trước đó, năm 2011, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã tiết lộ kế hoạch chi tiêu hơn 20 nghìn tỷ ruble (360 tỷ USD) để hiện đại hóa các trang thiết bị quân sự đã lỗi thời đến năm 2025.
Kế hoạch của ông Putin đã bị gián đoạn do cuộc khủng hoảng kinh tế trầm trọng của Nga cũng như sự tụt giá của đồng ruble năm 2015. Với thâm hụt chi tiêu nói trên, Nga đã tụt xuống phía sau Saudi Arab và đứng vị trí thứ tư.
Các quốc gia đứng đầu về chi tiêu quốc phòng năm 2016. Nguồn: CNN |
Nền kinh tế Nga giờ đây đã có dấu hiệu phục hồi và rẽ sang một hướng khác. Sau thời gian dài khủng hoảng, kinh tế Nga đã tăng trưởng trong quý cuối cùng của năm 2016. Moscow đã tận dụng thời cơ để tăng cường chi tiêu với mức dành cho quân sự chiếm 5,3% tổng ngân sách của nền kinh tế năm 2016, mức lớn nhất kể từ năm 1991.
Hiện nay, Nga vẫn duy trì hoạt động quân sự trong cuộc nội chiến Syria và cần phải lắp đặt nhiều cơ sở quân sự ở đây. Hoa Kỳ và Liên minh châu Âu đều đã áp đặt lệnh trừng phạt đối với Nga sau vụ sáp nhập Crimea năm 2014.
Với sự trỗi dậy của Nga, chi tiêu ở các quốc gia trung Âu cũng tăng 2,4% trong năm 2016. “Sự gia tăng chi tiêu ở nhiều quốc gia trung Âu có thể một phần là do lo ngại những mối đe dọa lớn hơn từ Moscow”, Siemon Wezeman, nhà nghiên cứu cấp cao của SIPRI nhận định.
Trong khi đó, Saudi Arab đã tụt xuống vị trí thứ tư trong bảng xếp hạng năm 2016 sau khi cắt giảm chi tiêu quốc phòng xuống còn 25,8 tỷ USD. Quốc gia này đang tham gia vào cuộc xung đột ở Yemen. Tuy nhiên, theo SIPRI, nhiều nhà sản xuất dầu mỏ, trong đó có cả lãnh đạo của OPEC, đã buộc nước này phải giảm chi tiêu quân sự do giá dầu tụt.
Hoa Kỳ vẫn duy trì vị trí số một trong năm 2016 với tổng chi tiêu quốc phòng tăng 1,7% lên mức 611 tỷ USD. Đây là năm đầu tiên Mỹ tăng chi tiêu sau 5 năm liên tiếp cắt giảm ngân sách.
Trung Quốc đứng thứ hai với 215 tỷ USD, mức tăng 5,4% năm 2016 là mức khá thấp so với những năm trước.
Tổ chức của Thụy Điển cho biết chi tiêu quân sự toàn cầu đã tăng lên mức 1,7 nghìn tỷ USD trong năm 2016. Các khu vực gia tăng chủ yếu là ở châu Á, châu Âu và Bắc Phi, còn những nước ở Trung Đông và Nam Mỹ đều cắt giảm.