Nga – NATO “đấu khẩu” về tên lửa Patriot cho Thổ Nhĩ Kỳ
Theo Reuters, trước đó, Nga đã lên tiếng phản đối NATO cân nhắc điều động tên lửa đất đối không theo đề xuất của Ankara vì Thổ Nhĩ Kỳ lo sợ cuộc khủng hoảng Syria sẽ lan tràn sang nước mình.
“Điều đó sẽ không giúp làm ổn định tình hình khu vực”, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Alexander Lukashevich nói.
Hôm qua, NATO bác bỏ chỉ trích của Nga về khả năng Khối quân sự Bắc Đại Tây Dương điều động tên lửa Patriot đến biên giới Thổ Nhĩ Kỳ - Syria. |
Sau khi được 100 người biểu tình phản đối NATO “chào đón” trước buổi nói chuyện tại Đại học Zurich, Tổng thư ký Rasmussen cho rằng lời chỉ trích của Nga là “không chính đáng”. “Chúng tôi đã trình bày rất rõ ràng rằng chúng tôi sẽ làm bất kỳ điều gì cần thiết để bảo vệ đồng minh Thổ Nhĩ Kỳ của mình”, ông Rasmussen nói.
Ông Rasmussen cho rằng việc điều động tên lửa Patriot, loại tên lửa có thể được sử dụng để đánh chặn tên lửa hoặc máy bay của kẻ thù, sẽ “giúp ngăn chặn phòng ngừa những kẻ thù trước khi họ có ý nghĩ tấn công” và giúp “duy trì sự ổn định dọc theo biên giới phía nam của chúng tôi”. Theo ông, động thái này là “hoàn toàn mang tính tự vệ”. Bày tỏ lo ngại sâu sắc về tình hình biên giới Thổ Nhĩ Kỳ - Syria, ông Rasmussen cho biết “Thổ Nhĩ Kỳ đang ngày càng lo ngại về tình hình đó”.
Hôm 21/11, các đại sứ NATO đã nhóm họp để cân nhắc đề xuất của Thổ Nhĩ Kỳ. Các đại sứ NATO chưa đạt được quyết định gì nhưng đã có 3 quốc gia có thể cung cấp tên lửa Patriot là Mỹ, Đức và Hà Lan. Theo một nhà ngoại giao NATO, ba quốc gia này đều cho rằng họ nhìn nhận đề xuất của Thổ Nhĩ Kỳ theo hướng tích cực và sớm nhất là tuần tới NATO mới đưa ra quyết định có điều tên lửa đến nước này hay không.
Hôm qua ở Paris, Ngoại trưởng Laurent Fabius tuyên bố rằng Pháp ủng hộ đề xuất của Thổ Nhĩ Kỳ: “Không có lí do gì để phản đối cả, đề xuất đó hoàn toàn mang tính tự vệ”.
Thổ Nhĩ Kỳ vẫn không ngừng điều máy bay tuần tra dọc theo biên giới đề phòng pháo từ phía Syria bị bắn sang lãnh thổ nước này. Đến nay cuộc xung đột Syria đã khiến 38.000 người thiệt mạng kể từ khi bắt đầu vào tháng 3 năm 2011.
“Quân sự hóa biên giới Syria – Thổ Nhĩ Kỳ là dấu hiệu đáng lo ngại”, ông Lukashevich phát biểu. “Lời khuyên của chúng tôi dành cho các đồng nghiệp Thổ Nhĩ Kỳ là hãy sử dụng tầm ảnh hưởng của mình đối với lực lượng đối lập Syria để tìm kiếm một cuộc đối thoại giữa 2 bên của cuộc xung đột này càng sớm càng tốt và đừng có phô trương sức mạnh hay đẩy tình hình đi theo hướng nguy hiểm như vậy”, ông nói.
Nga đã phủ quyết 3 nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc gây sức ép tới chính quyền Tổng thống Syria Assad và buộc tội phương Tây khuyến khích quân nổi dậy chống lại chính quyền. Nga cho rằng cuộc khủng hoảng Syria phải được giải quyết nội bộ, không có sự can thiệp của bên ngoài, đặc biệt là can thiệp quân sự, và rằng không nên buộc ông Assad từ chức và coi đó là điều kiện tiên quyết cho một giải pháp chính trị.
NATO là đối thủ của Nga trong Chiến tranh lạnh và Nga không ngừng bày tỏ lo ngại về việc Khối quân sự Bắc Đại Tây Dương điều tên lửa khá gần biên giới của Nga.