Nga nâng cấp oanh tạc cơ siêu thanh Tu-160M2: Hổ mọc thêm cánh
Hiện tại Moscow đang có trong tay 16 chiếc Tu-160M2 phiên bản gốc, có thể đạt tốc độ Mach 2.0, và là những phi cơ còn lại trong tổng số 35 phi cơ được chế tạo vào thời Liên Xô. Trong tương lai, Nga hi vọng sẽ có thêm 50 chiếc Tu-160M2 để tăng cường sức mạnh của lực lượng máy bay ném bom chiến lược của nước này.
Máy bay Tu-160M2 cất cánh cùng một phi cơ chiến đấu hộ tống. |
“Tôi tin rằng vào năm 2019, loại máy bay này sau khi được nâng cấp bằng những thiết bị quân sự hiện đại, sẽ có chuyến bay đầu tiên”, tướng Viktor Bondarev, tư lệnh Lực lượng Không quân Nga trả lời hãng thông tấn TASS.
Năm 2015, chính phủ Nga quyết định kéo dài thời gian phát triển máy bay ném bom thế hệ mới PAK-DA và tập trung vào dự án nâng cấp và chế tạo Tu-160M2. Theo Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nga Yuri Borisov, Tu-160M2 mới sẽ được lắp đặt những hệ thống quân sự mới cùng với một số cải tiến so với các phiên bản trước đây. “Về cơ bản đây sẽ là một loại phi cơ mới”, ông Borisov khẳng định.
Hiện vẫn còn rất ít thông tin về các loại phi cơ Tu-160M2 được nâng cấp. Có thể hãng Tupolev cuối cùng đã có những sự điều chỉnh cần thiết đối với cấu tạo của máy bay mà họ đáng lẽ đã phải thực hiện vào thời điểm khi Tu-160 được sản xuất hàng loạt. Tuy nhiên, những sự thay đổi này có thể sẽ rất nhỏ, và máy bay chắc chắn sẽ cần những hệ thống buồng lái mới.
Công ty Công nghệ Vô tuyến Điện tử của Nga (KRET) hiện đã bắt đầu chế tạo hệ thống buồng lái mới cho máy bay Tu-160M2. “Ngày nay chúng tôi có thể khẳng định rằng chiếc phi cơ mới sẽ có một hệ thống điều khiển hiện đại”, công ty trả lời hãng thông tấn RIA Novosti.
“Nhằm nâng cao khả năng hoạt động của Tu-160, KRET đang chế tạo các thiết bị buồng lái, hệ thống định vị mới, hệ thống chiến tranh điện tử, hệ thống theo dõi sử dụng nhiên liệu cùng nhiều thiết bị khác”, hãng này nói thêm. Những hệ thống này nhiều khả năng cũng sẽ được lắp đặt trên phi cơ PAK-DA, hiện đang được phát triển cùng lúc với Tu-160M2.
Mặc dù được nâng cấp về nhiều mặt, Tu-160M2 vẫn sẽ là phương tiện mang theo các loại vũ khí hạt nhân. Khác với các oanh tạc cơ tàng hình B-2 hay B-21, máy bay của Nga chủ yếu phụ thuộc vào tốc độ cao cùng các tên lửa hành trình gắn đầu đạn hạt nhân để thực hiện chức năng của mình. Trong tương lai, ngay cả phi cơ PAK-DA cũng sẽ sử dụng các loại tên lửa tầm xa thay vì thả bom một cách truyền thống.
Nội dung được thực hiện qua tham khảo Tạp chí National Interest. National Interest được thành lập vào năm 1985. Tạp chí thường tập trung vào vấn đề chính sách đối ngoại và những lợi ích quốc gia của Mỹ.