Nga: Mặt trận Nusra là công cụ cản trở hòa bình tại Syria của một số nước
Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Nga, thiếu tướng Igor Konashenkov cho biết, các phần tử Mặt trận Nusra vẫn là mối đe dọa lớn không chỉ đối với an ninh khu vực không giao tranh ở Idlib mà còn cả toàn đất nước Syria. Ông Konashenkov khẳng định Mặt trận Nusra đang được một bên thứ ba cung cấp vũ khí và đang có âm mưu “phá hoại tiến trình hòa bình tại các vùng không giao tranh, đẩy các nhóm nổi dậy ôn hòa ra khỏi các vùng này”.
Tổ chức khủng bố Mặt trận Nusra ở Syria được cho là cũng nguy hiểm không kém IS. |
“Điều này đã khiến chúng tôi lo ngại rằng các phần tử khủng bố giờ đây đã trở thành những công cụ đắc lực của một hoặc một số quốc gia phát triển, không hài lòng với vai trò của Nga trong cuộc chiến chống IS tại Syria”, ông Konashenkov nhấn mạnh. Ông cũng lấy dẫn chứng việc các cuộc tấn công nhằm vào các căn cứ Tartus và Hmeymim, những nơi mà máy bay Nga được triển khai, đã được tiến hành bởi máy bay không người lái của các nhóm khủng bố.
Nói thêm về tình hình tại các khu vực không giao tranh, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Nga cũng bày tỏ quan ngại khi các phần tử Mặt trận Nusra giờ đây đã có tên lửa phòng không vác vai hiện đại (MANPAD) có thể được sử dụng “không chỉ ở Syria và không chỉ dùng để chống lại máy bay chiến đấu”. Hiện Bộ Quốc phòng đang điều tra để xác định nguồn cung cấp loại vũ khí này của quân khủng bố.
Tuyên bố này được đưa ra sau khi một máy bay chiến đấu Su-25SM đã bị bắn rơi bằng tên lửa vác vai khi đang hoạt động tại Idlib (Syria). Mặc dù phi công lái máy bay là Roman Filipov đã thoát khỏi phi cơ trước khi nó đâm xuống mặt đất, song cuối cùng người này đã buộc phải tự sát bằng lựu đạn sau một cuộc đấu súng với phiến quân dưới mặt đất. Thi thể của Filipov đã được trao trả cho phía Nga, và dự kiến lễ an táng sẽ được diễn ra vào ngày 8/2.
Bộ Quốc phòng Nga cũng khẳng định rằng, lực lượng quân đội Nga còn lại ở Syria có thể hoạt động độc lập. “Vào thời điểm hiện tại, mục tiêu chính của quân đội Nga tại Syria là theo dõi tiến trình ngừng bắn tại các khu vực không giao tranh và hỗ trợ người dân Syria xây dựng cuộc sống yên bình. Lực lượng quân đội Nga tại Syria đều có khả năng hoạt động độc lập để phục vụ mục đích này”, tuyên bố của bộ cho biết.
Các khu vực không giao tranh được thiết lập tại Syria sau một loạt các cuộc đàm phán hòa bình tại Astana (Kazakhstan). Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ là các nước đã nhất trí thiết lập lệnh ngừng bắn tại Syria cũng như xác định các khu vực sẽ không có giao tranh tại Syria, trong đó có tỉnh Idlib và 3 nơi khác.
Nga đã tiến hành chiến dịch quân sự tại Syria vào năm 2015 theo yêu cầu của chính phủ Syria. Đến tháng 12/2017, Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố rằng IS tại Syria đã bị tiêu diệt hoàn toàn, và Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng nói rằng Nga đã đạt được “chiến thắng trước các thế lực khủng bố”.