Nga mất "thanh bảo kiếm" giúp dọa nạt phương Tây
Trong nhiều năm qua, việc Nga cắt giảm sản lượng xuất khẩu năng lượng mỗi khi xảy ra căng thẳng ngoại giao với phương Tây, khiến đa phần các nước châu Âu canh cánh nỗi lo về một mùa đông giá rét.
Theo Washington Post, trong bối cảnh hiện nay, giá năng lượng sụt giảm liên tiếp, "chính sách đường ống năng lượng" của Nga cũng dần mất tác dụng.
Ngay cả Tập đoàn năng lượng khổng lồ của Nga Gazprom, lâu nay bị chỉ trích làm việc theo sự chỉ đạo của điện Kremlin, cũng đã phải chứng kiến tình trạng đơn đặt hàng mua khí đốt tự nhiên sụt giảm xuống mức thấp nhất trong lịch sử hậu Xô viết.
Bởi những quốc gia từng phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn cung năng lượng từ Gazprom đã có những lựa chọn khác cho riêng mình. Trong tháng tới, Gazprom còn phải đưa quyết định làm cách nào để đối phó trước vụ kiện chống độc quyền của Liên minh châu Âu (EU) nhằm ngăn cản hoạt động lưu thông hàng hóa của Nga ở châu Âu.
Mất nhiều khách hàng phương Tây, Nga chuyển sang ký kết hợp đồng mua bán khí đốt với các nước châu Á như Trung Quốc. |
Vị thế tụt dốc của Gazprom là cơ hội để phương Tây kiềm chế khả năng can thiệp của Nga trong cuộc xung đột ở miền đông Ukraine mà không phải lo sợ những hậu quả khôn lường nếu Moscow cắt giảm nguồn cung khí đốt. Ngoài ra, sự ra đời của thỏa thuận hạt nhân Iran sẽ đẩy nguồn dầu mỏ và khí đốt từ vịnh Péc xích tới châu Âu. Nói cách khác, Gazprom sẽ tiếp tục chịu cảnh mất không ít khách hàng lớn.
Chuyên gia phân tích Mikhail Krutikhin tại Công ty tư vấn RusEnergy đặt trụ sở ở Moscow nhận định: "Gazprom hiện đang ở vị thế bấp bênh" do doanh thu bị sụt giảm.
Trước đây, Gazprom từng được xem là công ty xuất khẩu năng lượng lớn nhất thế giới. Điển hình phát biểu trước hãng tin Pháp hồi năm 2008, Chủ tịch Gazprom, ông Alexey Miller từng tuyên bố vào giữa thập niên này, doanh thu của công ty sẽ đạt 1 ngàn tỷ USD.
Trong thời kỳ Xô viết, châu Âu mua phần lớn khí đốt tự nhiên của các quốc gia láng giềng giàu tài nguyên dầu mỏ cho tới các nước phương Đông. Khi Liên Xô sụp đổ, nhưng hệ thống đường ống cung cấp năng lượng vẫn hoạt động, Đông Âu tiếp tục phụ thuộc vào nguồn cung cấp năng lượng từ Nga. Các nước vùng Balkan như Hungary và các quốc gia Baltics là những nước phụ thuộc gần như hoàn toàn vào nguồn cung khí đốt của Nga. Cho tới nay, Nga hiện vẫn đang cung cấp 1/3 lượng khí đốt tự nhiên cho châu Âu.
Nhưng sau khi Nga cắt giảm sản lượng xuất khẩu vào năm 2006 và 2009 do những căng thẳng địa chính trị, châu Âu bắt đầu tìm cho mình những lựa chọn thay thế. Trên thực tế, giá bán khí đốt của Gazprom cao hơn rất nhiều so với các quốc gia xuất khẩu năng lượng khác. Ngoài ra, lo ngại hoạt động vận chuyển năng lượng bị cản trở, các quốc gia châu Âu cũng đua nhau xây dựng hệ thống đường ống dẫn khí đốt cho riêng mình để dễ dàng nhận nguồn cung từ các nhà xuất khẩu khác cũng như vận chuyển khí đốt giữa nước châu Âu với nhau.
"Nga đang 'gieo nhân nào thì gặt quả ấy'. Nếu muốn gây ra tình trạng nguồn cung bất ổn, Nga cũng không nên kỳ vọng các khách hàng sẽ chấp nhận hoàn cảnh. Trong khi đó, nguồn cung năng lượng hiện vô cùng dồi dào", giáo viên giảng dạy chính sách năng lượng tại Đại học Oxford, ông Dieter Helm nói.
Trong khi đó, nguồn cung khí đốt tự nhiên từ Mỹ đang vô cùng dồi dào do ngành công nghiệp khai thác khí đá phiến bùng nổ nhanh chóng. Ngay cả, Ukraine, một trong những khách hàng quan trọng của Nga trong suốt thời gian dài, cũng đã cố gắng cắt giảm sản lượng tiêu thụ năng lượng, để bớt phụ thuộc vào nguồn cung của Nga đặc biệt sau sự kiện Moscow sáp nhập bán đảo Crimea và xung đột tại miền đông Ukraine bùng nổ.
Ngay cả yếu tố thời tiết cũng không ủng hộ Gazprom. Khi mà hai mùa đông gần đây, thời tiết thường ấm hơn nên người dân châu Âu cũng giảm bớt sử dụng lò sưởi.
Theo Washington Post, tình hình hiện tại đã buộc các nhà lãnh đạo Gazprom đưa ra phương án điều giải. Hồi tháng Sáu, Chủ tịch Miller cho hay Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đề nghị ông này tổ chức các cuộc thảo luận nhằm duy trì hoạt động bơm khí đốt sang châu Âu thông qua hệ thống đường ống ở Ukraine. Động thái này cho thấy nỗ lực tìm kiếm các hệ thống đường ống khác để vận chuyển khí đốt của Moscow là không khả quan.
Gazprom và Ukraine đang bàn thảo mua bán khí đốt cho mùa đông năm nay. |
Trong khi đó, ban lãnh đạo Gazprom cho biết họ muốn thỏa hiệp với EU về vụ kiện chống độc quyền. "Rõ ràng thời hoàng kim khi mà các nước phải cạnh tranh với hoạt động xuất khẩu khí đốt của Gazprom đã qua. Giờ đây Gazprom đang phải chịu cảnh tự điều chỉnh theo tình hình", nhà phân tích tại Renaissance Capital ở Moscow, ông Ildar Davletshin nhận định.
Vụ kiện chống độc quyền sẽ buộc Gazprom phải chấp nhận thay đổi các phương thức kinh doanh tại châu Âu. Trong đó giá bán khí đốt luôn gắn liền với chi phí vận chuyển và sản xuất thay vì gây thiệt hại cho khách hàng. Theo các nhà phân tích, EU hiện nắm thế thượng phong trong cuộc đối đầu với Nga vì Gazprom đang rất cần nguồn tiền từ châu Âu còn châu Âu không còn phụ thuộc quá nhiều vào nguồn khí đốt từ Nga. Theo lộ trình, Gazprom sẽ phải đưa ra câu trả lời cho châu Âu vào giữa tháng Chín tới.
Hồi tháng trước, Bộ Kinh tế Nga đưa ra dự đoán rằng sản lượng khai thác của Gazprom sẽ sụt giảm mất 7% trong năm nay. Đây là mức thấp kỷ lục trong lịch sử của tập đoàn.
Tuy nhiên, xu thế này chỉ là tạm thời. Trong bối cảnh đồng rúp rớt giá hơn một nửa so với đồng đôla kể từ đầu năm 2014, dù doanh thu của Gazprom khi tính bằng USD sụt giảm nhưng khi đổi sang đồng rúp, doanh thu của tập đoàn lại tăng tới 71% trong quý I năm nay. Hoạt động xuất khẩu khí đốt sang châu Âu cũng sẽ tăng trong những tháng tới bởi các nước sẽ tranh thủ giá dầu giảm để tích trữ nguồn năng lượng sử dụng cho mùa đông.
Ngoài ra, để giảm bớt sự phụ thuộc vào khách hàng châu Âu, Gazprom đã chuyển hướng làm ăn sang khu vực phía đông bằng việc ký kết thỏa thuận cung cấp khí đốt lịch sử cho Trung Quốc hồi năm ngoái. Nhưng thỏa thuận này sẽ phải mất nhiều năm mới hoàn thành trong khi đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm lại cũng sẽ khiến Trung Quốc giảm sản lượng mua khí đốt từ Nga. Tong khi đó, lệnh trừng phạt kinh tế mới được Mỹ công bố hồi tháng này cũng sẽ cản trở nỗ lực mở rộng thị trường kinh doanh của Nga.
"Cách đây vài năm, Nga nắm giữ vị trí vô cùng hùng mạnh. Nhưng một số quốc gia và công ty đã chuẩn bị các phương án đối phó tốt hơn trong trường hợp giá dầu sụt giảm", nhà phân tích chính sách năng lượng tại Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược, ông Edward Chow nói.
Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin từ The Washington Post, nhật báo lớn nhất và là lâu đời nhất tại Washington D.C, Mỹ. Bên cạnh những tờ báo lớn khác như The New York Times, The Wall Street Journal và Los Angeles Times, The Washington Post thường đăng tải các phóng sự về Nhà Trắng, Quốc hội và những khía cạnh khác của chính phủ Mỹ.