Nga lại "chơi" Pháp về vụ tàu sân bay Mistral
Tàu sân bay lớp Mistral- trung tâm gây căng thẳng trong quan hệ Nga - Pháp trong thời gian qua |
Theo hãng thông tấn TASS, số tiền Paris phải bồi hoàn cho Moscow về việc phá vỡ hợp đồng cung cấp 2 tàu đổ bộ trực thăng lớp Mistral là 949,755 triệu euro.
Thỏa thuận có chữ ký của Phó Thủ tướng Nga Dmitry Rogozin và Tổng thư ký An ninh Quốc gia Pháp, ông Louis Gautier, đã được trình lên Quốc hội Pháp.
Ủy ban đối ngoại thuộc Quốc hội Pháp sẽ xem xét tài liệu trên vào ngày 15/9, một ngày sau khi Quốc hội Pháp tiến hành phiên họp bất thường.
Tài liệu đặc biệt nêu rõ: Pháp không được bán tàu sân bay trực thăng Mistral cho bên thứ nếu như Nga chưa nhận được toàn bộ số tiền bồi hoàn. Ngoài ra, Pháp phải thực hiện việc tháo dỡ các thiết bị do Nga sản xuất, cung cấp để trang bị cho tàu Mistral.
Theo Paris, hiện có một số khách hàng tiềm năng quan tâm tới các hàng không mẫu hạm lớp Mistral là Ai Cập, Ấn Độ, Brazil, UAE, Saudi Arabia, Việt Nam, Malaysia và một số nước khác.
Theo báo Thương nhân Nga, Moscow cho phép Paris bán Mistral cho khách hàng tiềm năng với điều kiện phải mua kèm các trực thăng tấn công Ka-52K mà Nga chế tạo riêng cho những tàu này.
Trong trường hợp khách hàng từ chối mua trực thăng Ka-52K, Nga dự định sử dụng quyền phủ quyết của mình, và điều này sẽ gây khó khăn đáng kể cho Pháp, nước đang rất muốn nhanh chóng bán 2 tàu trên.
Trong chuyến thăm Malaysia hôm 1/9, Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Jean-Yves Le Drian đã thảo luận việc bán những tàu này cho Chính phủ Malaysia.
Trước đó, ngày 5/8, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Francois Hollande đã thống nhất chấm dứt hợp đồng cung cấp hai tàu Mistral cho hải quâ Nga, được Paris và Moscow ký năm 2011 với tổng trị giá lên tới 1,2 tỷ euro.
Hợp đồng mua bán tàu sân bay lớp Mistral cho Hải quân Nga trị giá 1,2 tỷ euro được ký kết vào mùa Hè năm 2011. Theo điều kiện hợp đồng, chiếc tàu đầu tiên có tên là Vladivostok sẽ được phía Pháp bàn giao vào tháng 11/2014, nhưng Paris đã không bàn giao tàu cho Moscow vì cáo buộc Nga can thiệp vào tình hình khủng hoảng Ukraine. Chiếc thứ hai có tên Sevastopol cũng đã được lên kế hoạch chuyển giao cho Nga vào tháng 11/2015.
Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin TASS, hãng thông tấn nhà nước Nga được tái thiết từ hãng tin Itar-TASS cũ. Đây là một trong những hãng thông tấn lớn nhất của Nga, có bề dày 100 năm lịch sử. Hãng này liên kết với hơn 80 hãng thông tấn nước ngoài khác và là một trong những hãng thông tấn uy tín trên thế giới.