Nga dọa chế tạo loạt vũ khí “độc nhất vô nhị” đáp trả Mỹ rút khỏi INF
Chia sẻ với Sputnik hôm 4/12, ông Viktor Bondarev, Chủ tịch Ủy ban An ninh và Quốc phòng Thượng viện Nga cho hay, Moscow và Washington cần tiếp tục đối thoại về INF và hiệp ước này có thể được thay đổi theo tình hình hiện tại. Ngoài ra, phạm vi của INF có thể chỉ được áp dụng ở khu vực châu Âu.
Tổ hợp tên lửa đạn đạo liên lục địa Sarmat của Nga. |
“Những bất đồng về INF hiện nay có thể được giải quyết với sự hỗ trợ từ các cuộc đàm phán toàn diện của Nga và Mỹ. Nội dung hiệp ước có thể được thay đổi”, ông Bondarev nói.
Cũng theo ông Bondarev, “chúng ta có thể chỉ giới hạn phạm vi áp dụng INF ở khu vực châu Âu, trong khi cho phép triển khai các tên lửa tầm trung và tầm ngắn tới những khu vực khác, nơi được cho là cần thiết để triển khai những vũ khí này”.
Tuy nhiên, ông Bondarev còn nhấn mạnh Nga sẽ có phản ứng như phát triển “hàng loạt vũ khí độc nhất vô nhị” nếu Mỹ rút khỏi INF.
“Chúng tôi cho rằng cần phải tuân thủ hiệp ước INF và duy trì hiệp ước này. Đây cũng là quan điểm chính thức của lãnh đạo Nga. Tuy nhiên, nếu Mỹ rút khỏi hiệp ước, chúng tôi sẽ phải có phản ứng khi đưa ra hàng loạt biện pháp như tăng cường phát triển và triển khai các loại vũ khí độc nhất vô nhị”, ông Bondarev cho hay.
Theo ông Bondarev, Washington đã “bịa đặt” câu chuyện Moscow vi phạm INF để làm cái cớ rút khỏi hiệp ước này.
Trong khi đó, hôm 4/12 phát biểu Brussels, Ngoại trưởng Mike Pompeo cho biết Mỹ sẵn sàng bắt đầu tiến trình rời khỏi thỏa thuận INF do Nga đã có những vi phạm rõ ràng.
“Trước tình hình thực tế hiện nay, Hoa Kỳ sẽ tuyên bố rằng Nga vi phạm nội dung hiệp ước và chúng tôi sẽ tự loại mình khỏi văn bản này trong vòng 60 ngày trừ phi Nga tuân thủ trở lại nội dung trong đó”, ông Pompeo nói.
Trước đó, hồi tháng 10, Tổng thống Donald Trump ra tuyên bố về việc Mỹ có ý định rút khỏi INF trước cáo buộc Nga vi phạm các điều khoản trong thỏa thuận. Về phần mình, chính quyền Nga nhiều lần nhấn mạnh Moscow luôn tuân thủ hiệp ước.
Hiệp ước INF được ký kết năm 1987. Theo nội dung thỏa thuận, Nga và Mỹ cho tiêu hủy toàn bộ các tên lửa đạn đạo phóng từ mặt đất và tên lửa hành trình có tầm bắn từ 500 – 5.500 km.
Cũng trong ngày 4/12, Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng Hạ viện Nga Yuri Shvytkin nhận định, Mỹ rút khỏi INF sẽ chỉ đẩy châu Âu vào tình hình bất ổn.