Nga điều oanh tạc cơ hạt nhân Tu-22M3 'phát tín hiệu' cảnh báo NATO
Giữa lúc căng thẳng với NATO chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, Nga tiếp tục điều động 2 oanh tạc cơ hạt nhân Tu-22M3 tuần tra trên không phận Belarus.
Nga điều động 2 oanh tạc cơ hạt nhân tầm xa Tu-22M3 làm nhiệm vụ tuần tra trên không phận Belarus hôm 18/12. Theo các chuyên gia, sứ mệnh này nhằm thể hiện mối quan hệ quốc phòng khăng khít giữa hai đồng minh Nga – Belarus giữa lúc căng thẳng với phương Tây.
Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố hai oanh tạc cơ tấn công chiến lược tầm xa Tu-22M3 đã thực hiện “sứ mệnh chung với không quân và lực lượng phòng không Belarus". Theo đó, các tiêm kích Su-30 được Nga cung cấp cho Belarus đã tham gia hộ tống hai máy bay ném bom Tu-22M3 làm nhiệm vụ.
Oanh tạc cơ hạt nhân Tu-22M3 của Nga cất cánh lên đường tuần tra không phận Belarus. (Ảnh: AP) |
Hoạt động tuần tra kéo dài 4 tiếng đồng hồ hôm 18/12 là sứ mệnh thứ 3 quân đội Nga thực hiện trên không phận Belarus kể từ tháng 11, và diễn ra trong bối cảnh phương Tây lo ngại về hoạt động tăng cường điều động binh lính cùng vũ khí của Nga tới sát biên giới Ukraine.
Moscow nhiều lần lên tiếng phủ nhận cáo buộc có kế hoạch xâm chiếm Ukraine, đồng thời yêu cầu Mỹ đưa ra những cam kết đảm bảo an ninh như không để NATO mở rộng hoạt động ở Ukraine hoặc triển khai các loại vũ khí tới quốc gia láng giềng của Nga. Song dường như chắc chắn Mỹ và các nước đồng minh sẽ từ chối yêu cầu từ phía Nga.
Một số quan chức Ukraine cũng đã bày tỏ mối quan ngại về khả năng Nga sẽ dụng Belarus làm căn cứ để thực hiện tấn công Ukraine từ phía bắc. Đáng nói, trong một tuyên bố bất ngờ vào tháng trước, Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko cho hay Belarus sẵn sàng làm nơi lưu trữ các loại vũ khí hạt nhân của Nga.
Tuyên bố của ông Lukashenko được xem là đòn đáp trả trước những lời chỉ trích và cáo buộc từ Liên minh châu Âu (EU). Trước đó, căng thẳng giữa Belarus với EU và Mỹ càng gia tăng kể từ mùa hè năm nay, khi hàng ngàn người di cư và tị nạn tràn tới khu vực biên giới giáp với Ba Lan.
EU cáo buộc Tổng thống Lukashenko dùng dòng người tị nạn và di cư để trả đũa các lệnh trừng phạt. Theo EU, Belarus muốn người tị nạn tràn sang Ba Lan, Lithuania và Latvia để từ đó gây bất ổn cho toàn khối EU.
Về phần mình, Tổng thống Lukashenko đang thúc đẩy mối quan hệ thân thiết hơn với Nga, sau khi phương Tây và Mỹ phản đối kết quả cuộc bầu cử hồi tháng 8/2020. Thậm chí, EU và Mỹ đã ban hành nhiều lệnh trừng phạt với Belarus để phản đối ông Lukashenko nắm giữ chức vụ lãnh đạo nhiệm kỳ thứ 6.
Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Belarus không tiết lộ loại vũ khí hạt nhân nào của Nga mà quốc gia này sẽ tiếp nhận. Tổng thống Lukashenko cho biết thêm, Belarus vẫn bảo quản cẩn thận cơ sở hạ tầng quân sự cần thiết có từ thời Liên Xô cũ.
Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Lavrov đã miêu tả lời đề nghị của Tổng thống Lukashenko là “lời cảnh báo nghiêm túc đối với chính sách khinh suất từ phương Tây”.
Trong cuộc phỏng vấn hôm 18/12, nhà ngoại giao hàng đầu của Belarus Vladimir Makei cũng cho hay Belarus có thể đồng thuận cất giữ các loại vũ khí hạt nhân như một phần trong phản ứng trước khả năng NATO có thêm hành động ở Ba Lan.
Bình luận về những quan ngại của Nga liên quan tới mối quan hệ ngày càng thân thiết giữa Ukraine và NATO, ông Makei nhận định liên minh quân sự phương Tây đang biến Ukraine thành “đầu cầu chống lại Nga”.
Mỹ ước tính có bao nhiêu binh sĩ Nga đang ở biên giới Ukraine?
Tình báo Mỹ ước tính số lượng binh sĩ Nga được huy động tới sát biên giới với Ukraine đã tăng lên 175.000 người.
Minh Thu (lược dịch)