Nga coi Mỹ là mối đe dọa chính trong học thuyết đối ngoại mới
Đài RT cho biết, học thuyết chính sách đối ngoại mới vạch ra các nguyên tắc, mục tiêu và ưu tiên ngoại giao quốc tế của Nga. Tài liệu dài 42 trang này tập trung vào các nỗ lực của phương Tây nhằm làm suy yếu xứ sở bạch dương trong cuộc xung đột ở Ukraine, khác với phiên bản được ký duyệt năm 2016, vốn chú trọng vào việc chống khủng bố, thúc đẩy hợp tác quốc tế, tăng cường dấu ấn toàn cầu của Nga và bảo vệ chủ quyền quốc gia.
Ông Putin giải thích, tài liệu quan trọng phải được thay đổi do "những biến chuyển mạnh mẽ" trong bối cảnh quốc tế. Động thái được lãnh đạo Điện Kremlin công bố hôm 31/3, trong cuộc họp với các quan chức hàng đầu thuộc Hội đồng An ninh Nga, bao gồm cả Thủ tướng Mikhail Mishustin, Ngoại trưởng Sergey Lavrov và Bộ trưởng Quốc phòng Sergey Shoigu.
Học thuyết mới cáo buộc “Mỹ và các vệ tinh đã sử dụng những biện pháp do Nga thực hiện nhằm bảo vệ lợi ích sống còn của mình liên quan đến Ukraine, như một cái cớ để leo thang quan hệ chính sách chống Nga lâu nay và đã khơi mào một cuộc chiến hỗn hợp kiểu mới”.
Theo nhà chức trách Nga, cuộc chiến hỗn hợp kiểu mới nhằm làm suy yếu xứ sở bạch dương bằng mọi cách có thể, cả làm suy yếu tiềm năng quân sự, kinh tế và công nghệ cũng như “hạn chế chủ quyền của đất nước trong chính trị đối ngoại và đối nội, làm xói mòn sự toàn vẹn lãnh thổ”.
Tuy nhiên, tài liệu khẳng định, Moscow “không coi mình là kẻ thù của phương Tây, không tự cô lập mình khỏi phương Tây và không có ý định thù địch với phương Tây”. Nga cũng bày tỏ mong muốn các cường quốc phương Tây “nhận ra sự vô ích của các chính sách đối đầu và tham vọng bá quyền” và cuối cùng quay trở lại hợp tác thực tế với Nga dựa trên sự tôn trọng lẫn nhau.
Theo học thuyết mới, Nga cũng sẽ tập trung vào việc làm sâu sắc thêm mối quan hệ với Ấn Độ và Trung Quốc cũng như tăng cường hợp tác với các nước Mỹ Latinh.
Tuấn Anh