Nga chơi "rắn", sẵn sàng đáp trả khi Washington bố trí tên lửa tầm trung
Hãng thông tấn TASS của Nga ngày 18/2 cho biết, Chủ tịch Ủy ban quốc phòng và an ninh Nga, ông Victor Bondarev tuyên bố, nếu như Mỹ tiến hành phát triển, sản xuất và bố trí tên lửa vi phạm danh mục cấm của INF ở quốc gia thứ 3, Nga sẽ có đủ khả năng để sản xuất các tên lửa tầm ngắn và tầm trung trên mặt đất trong vòng 6 tháng để đáp trả hành động của Mỹ.
Ông Victor Bondarev đưa ra tuyên bố cứng rắn về việc Mỹ triển khai tên lửa tầm trung. Nguồn: Sina. |
Ông Victor Bondarev nói: “Căn cứ theo các thiết bị hiện có của chúng tôi, Sở Nghiên cứu quân sự, Cục thiết kế và các công ty của chúng tôi có đủ năng lực khoa học, chỉ trong một thời gian ngắn chúng tôi có thể lấp đầy khoảng trống về việc không có tên lửa tầm ngắn – trung trên mặt đất. Chúng tôi thường xuyên tiến hành thị sát các công xưởng công nghiệp quân sự, thường thường nhìn thấy trang thiết bị của họ. Đương nhiên, chúng tôi có thể không có cách nào để nhanh chóng chế tạo ra một loại tên lửa mới trong một thời gian rất ngắn, nhưng có khả năng chỉ trong 6-12 tháng là tiến hành thử nghiệm sau đó sẽ trang bị loại tên lửa này”
Ông Victor Bondarev cũng nhấn mạnh, Nga hiện có nhiều hệ thống phòng không hiện đại, đặc biệt là hệ thống S-300, S-400 và S-500, do vậy Nga có thể “thực hiện tự vệ”.
Các hệ thống phòng không hiện đại của Nga đã được kiểm nghiệm trên chiến trường Syria. Nguồn: Sina. |
Ông Bondarev tin rằng, vẫn tồn tại khả năng Nga và Mỹ khởi động lại các cuộc đàm phán về INF. Đồng thời, cũng không loại trừ khả năng các quốc gia khác cũng sẽ tham gia hiệp ước mới. “Tôi ủng hộ việc đàm phán lại hiệp ước này, tất nhiên, không phải trong điều kiện khắc nghiệt. Nó phải được đàm phán lại theo các điều khoản bình đẳng, bao gồm cả việc thống kê tất cả các tên lửa của các quốc gia có khả năng sản xuất và triển khai tên lửa, để tiếp tục kiểm soát tình hình toàn cầu”, ông cho biết thêm.
Trước đó, sau chuyến thăm tới Hội nghị An ninh Munich, Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov ngày 17/2 nhấn mạnh, Mỹ đang đặt nền tảng để triển khai các loại tên lửa từng nằm trong danh mục cấm của INF tới khu vực châu Âu và châu Á cũng như các hòn đảo trên Thái Bình Dương. Nhật Bản, Hàn Quốc và “một số hòn đảo trên Thái Bình Dương” nhiều khả năng là nơi được Mỹ chọn để triển khai các loại tên lửa từng nằm trong danh mục cấm của Hiệp ước INF.
Bộ trưởng Lavrov cáo buộc Mỹ dự định triển khai tên lửa tầm trung vi phạm INF ở châu Á. Nguồn: Sina. |
Được biết, ngày 2/82019, Washington đã đơn phương từ bỏ INF với lý do Nga từ chối tiêu hủy tên lửa hành trình 9M729 mới mà theo Washington và NATO là đã vi phạm INF. Moscow đã bác bỏ các cáo buộc và khẳng định, tính năng của tên lửa này hoàn toàn nằm trong các giới hạn của INF, đồng thời cũng đưa ra các cáo buộc tương ứng chống lại Washington.
Ngày 5/8/2019, Tổng thống Putin đã ra lệnh quan sát chặt chẽ các bước tiếp theo của Hoa Kỳ trong việc phát triển, sản xuất và triển khai các tên lửa tầm ngắn và tầm trung, đồng thời sẵn sàng toàn lực phát triển loại tên lửa tương tự khi cần thiết. Tổng thống Putin nhấn mạnh rằng, các hành động của Moscow sẽ chỉ là một phản ứng thụ động và Nga sẽ không triển khai các tên lửa tương tự trừ khi Mỹ triển khai các tên lửa vi phạm hiệp ước.
Chiến hạm của hải quân Mỹ phóng thử tên lửa. Nguồn: Sina. |
Ngày 18/8, Mỹ đã thử nghiệm tên lửa Tomahawk mới nhất, đây là lần đầu tiên Mỹ tiến hành các vụ thử tên lửa hành trình trong phạm vi bị cấm theo INF. Đến ngày 12/12, Bộ Quốc phòng Mỹ tiếp tục thử nghiệm tên lửa đạn đạo phi hạt nhân trên đất liền tại căn cứ không quân Vandenberg, California. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper khi đó tuyên bố, Washington đã bắt đầu phát triển các tên lửa như vậy “sau khi Mỹ đình chỉ các nghĩa vụ của mình theo Hiệp ước vào tháng 2/2019”.