Nga chiến đấu chống IS hiệu quả gấp 10 lần Mỹ
Nga không kích IS hiệu quả gấp 10 lần Mỹ, |
Hãng Ria Novosti trích dẫn lời phát biểu của ông Muallem: “Nga có thể đã thành công gấp 10 lần Mỹ. Chúng tôi hy vọng rằng, sự hợp tác giữa Nga và Syria trong cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố vẫn sẽ được tiếp tục, nó không chỉ có lợi cho chúng tôi mà còn là hành động tự vệ của Nga”.
“Chúng tôi rất cám ơn sự giúp đỡ của Nga. Do có sự phối hợp giữa Không quân Nga, Không quân Syria và các lực lượng mặt đất của quân đội Syria, chúng tôi đã giành chiến thắng tại nhiều khu vực trên lãnh thổ đất nước”, người đứng đầu Bộ Ngoại giao Syria cho biết thêm.
Theo Bộ trưởng: “Nếu các quốc gia láng giềng là Thổ Nhĩ Kỳ, Ả Rập Saudi và Qatar thực hiện nghị quyết về chống khủng bố thì 70% cuộc khủng hoảng của chúng tôi sẽ được giải quyết, và tôi cam kết 30% còn lại sẽ kết thúc cuối năm nay”.
Nhiều chuyên gia, tổ chức phi chính phủ và các phương tiện truyền thông đã nhiều lần gọi ba quốc gia nói trên là những nhà tài trợ chính của chủ nghĩa khủng bố trong khu vực.
Ngày 17/12/2015 Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã nhất trí thông qua nghị quyết 2253 do Mỹ và Nga đề xuất về tăng cường cuộc chiến chống tài trợ cho lực lượng khủng bố.
Theo đó, những tổ chức, cá nhân hỗ trợ vật chất và thiết bị kỹ thuật cho IS và các phe nhóm khủng bố khác sẽ bị trừng phạt.
Danh sách trừng phạt tương ứng đã được đổi tên thành "Danh sách Nhà nước (Hồi giáo) Iraq và Levant (ISIL – tiền thân của IS ) cùng lực lượng Al-Qaeda”.
Như vậy, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã không còn xem IS như một nhánh của Al-Qaeda nữa, mà công nhận nhóm này là một tổ chức khủng bố độc lập.
Các biện pháp trừng phạt sẽ được áp dụng đối với những cá nhân, tổ chức tham gia cung cấp tài chính, lập kế hoạch và trợ giúp cho các hoạt động của IS hay Al-Qaeda; những cá nhân, tổ chức cung cấp, bán hay chuyển nhượng vũ khí và trang thiết bị cho các nhóm này hay tham gia tuyển dụng vào Al-Qaeda, IS hoặc bất kỳ tổ chức khủng bố nào.
Bộ trưởng Ngoại giao Syria cũng nói rằng Ấn Độ có thể đóng một vai trò tích cực trong việc giải quyết xung đột tại Syria bằng cách hỗ trợ kinh tế và chính trị cho Damascus.
“Chúng tôi tin rằng Ấn Độ với những thành tựu của mình xứng đáng góp một phần trong tiến trình giải quyết xung đột ở Syria”, ông Muallem nhấn mạnh.
Người đứng đầu Bộ Ngoại giao Syria cũng bày tỏ quan điểm, các cuộc đàm phán sắp tới tại Geneva nên diễn ra mà không có sự tham gia của các quốc gia bên ngoài:
“Tôi muốn nói rõ với quý vị rằng, cuộc đối thoại tại Geneva sắp tới nên được tiến hành giữa những người Syria mà không cần tới sự can thiệp của các tổ chức bên ngoài” và ông Moallem bổ sung thêm, các cuộc đàm phán có thể bị dừng lại trong trường hợp có sự can thiệp và áp lực từ bên ngoài vào.
Các cuộc đàm phán để giải quyết tình hình Syria dự kiến sẽ bắt đầu ở Geneva vào ngày 25/01 sắp tới. Trước ngày này, đặc phái viên của LHQ về tình hình Syria Staffan de Mistura cần phải hoàn thành tham vấn với tất cả các bên tham gia hòa đàm.
Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin từ RIA Novosti, một trong những hãng tin lớn nhất tại Nga, đặt trụ sở chính tại Moscow và hơn 80 văn phòng trên khắp thế giới.