Nga - châu Âu thiệt hại đủ đường vì Ukraine
"Những hành động của Nga tại miền đông Ukraine đã vi phạm các nguyên tắc cơ bản về an ninh tại châu Âu", GlobalPost dẫn tuyên bố từ văn phòng Tổng thống Pháp Francois Hollande hôm 3/9. Điều đó đồng nghĩa với việc Pháp buộc phải hủy bản hợp đồng bán tàu sân bay trực thăng cho Nga.
Trước đó, Pháp đã nhiều lần phớt lờ lời hối thúc từ các nước thành viên trong khối liên minh quân sự NATO về việc hủy bản hợp đồng mua bán khí tài với Nga. Paris từng khẳng định chiếc tàu chiến Vladivostok đầu tiên sẽ được chuyển giao cho Moscow theo đúng kế hoạch vào tháng 11 tới.
Tàu sân bay đổ bộ trực thăng lớp Mistral của Pháp. |
Thậm chí, gần 400 quân nhân Nga đã có mặt tại cảng Saint-Nazaire của Pháp để tham gia khóa huấn luyện sử dụng tàu Vladivostok. Tàu Vladivostok được Pháp đóng cho Hải quân Nga có khả năng tiêu diệt trực thăng, tàu đổ bộ chở xe tăng và các tên lửa phòng không.
Quyết định hủy hợp đồng bán tàu Vladivostok cho Nga của Tổng thống Hollande đã gây tranh cãi lớn tại Pháp bởi nó sẽ ảnh hưởng tới công ăn việc làm của nhiều công nhân tại xưởng đóng tàu và doanh thu quốc phòng trong bối cảnh quốc gia này đang phải chứng kiến tình trạng sụt giảm kinh tế và tỷ lệ thất nghiệp cao kỷ lục.
Tăng biện pháp trừng phạt
Việc các nhà lãnh đạo NATO gặp mặt trong cuộc họp thượng đỉnh tại Wales tuần này và đưa ra lời cảnh báo rằng Nga hiện đang trở thành mối đe dọa quân sự tại châu Âu cũng như Liên minh châu Âu (EU) đe dọa áp đặt thêm lệnh trừng phạt kinh tế với Moscow, sức ép buộc Pháp hủy hợp đồng buôn bán tàu chiến với Nga lại càng lớn. Hiện nay, các nhà lãnh đạo EU cũng đang thảo luận về việc cô lập Nga khỏi thị trường tài chính quốc tế, cắt giảm chuyển giao công nghệ và hủy bỏ hoạt động giao lưu văn hóa và thể thao.
Ngoài ra, cuộc họp thượng đỉnh kéo dài 2 ngày của NATO được tổ chức bên ngoài thành phố Newport của Welsh từ hôm nay (4/9) sẽ là nơi để các nhà lãnh đạo thông qua quyết định thành lập lực lượng phản ứng nhanh cũng như xây dựng thêm một số biện pháp ngăn chặn Nga có hành động hung hăng đe dọa các quốc gia thành viên phương đông của liên minh quân sự này.
Ngoài khí đốt, châu Âu chuẩn bị áp đặt thêm lệnh trừng phạt tăng cường với Nga trong lĩnh vực tài chính. |
"Tại cuộc họp thượng đỉnh, chúng tôi sẽ chắc chắn một điều là liên minh quân sự luôn trong tư thế sẵn sàng chiến đấu và bảo vệ các quốc gia trong khối liên minh khỏi mọi cuộc tấn công. Bất cứ kẻ xâm lược nào cũng cần biết rằng nếu chúng manh nha ý định tấn công một đồng minh của NATO, chúng sẽ không chỉ phải chiến đấu với quân đội của nước bị tấn công mà cả lực lượng NATO", Tổng thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen phát biểu trong cuộc họp báo tại Brussels hôm 1/9.
Ông Rasmussen cũng đã hối thúc NATO tăng cường giúp đỡ quân đội Ukraine và cho rằng NATO cần mở rộng cánh cửa đón thêm các thành viên mới để phòng thủ trước sự hung hăng của Nga.
"NATO cần đưa ra những cam kết chắc chắn về việc giúp Ukraine hiện đại hóa và tăng cường năng lực cho các lực lượng an ninh. Chúng ta cũng cần trợ giúp các thành viên khác của NATO như Georgia và Moldova để tăng sức mạnh phòng thủ", ông Rasmussen chia sẻ.
Hỗ trợ quân sự cho Ukraine
Hồi năm 2008, dưới sức ép của Tổng thống Vladimir Putin, Pháp và Đức đã buộc phải từ chối ủng hộ Ukraine gia nhập NATO. Ngay cả tuyên bố về việc Kiev muốn gia nhập NATO hồi tuần trước cũng đã không nhận được nhiều sự quan tâm từ phương Tây.
Trong thời gian qua, trước lời kêu gọi hỗ trợ quân sự của chính phủ Ukraine, mới chỉ có vài quốc gia châu Âu đưa ra phản ứng và viện trợ một số trang thiết bị không gây sát thương như mũ bảo hiểm và thiết bị cấp cứu để chữa chị cho binh sĩ bị thương.
Tuy nhiên, trong bối cảnh hành động quân sự đang ngày càng leo thang tại miền đông Ukraine do các cuộc giao tranh căng thẳng giữa phe ly khai thân Nga và quân chính phủ Kiev đã buộc các thành viên NATO đi tới quyết định đoàn kết hành động sau nhiều tháng chia rẽ, bất đồng về cách giải quyết cuộc khủng hoảng tại Ukraine.
Quân đội Ukraine kêu gọi hỗ trợ quân sự từ châu Âu. |
Trong bước đi mang tính mạnh mẽ, cuộc họp thượng đỉnh của NATO lần này được kỳ vọng thông qua bản "Kế hoạch hành động sẵn sàng" do chính Tổng thư lệnh Bộ chỉ huy NATO ở châu Âu, Tướng Không quân Mỹ Philip M. Breedlove soạn thảo.
Theo đó, NATO sẽ tăng số lượng quân nhân trong lực lượng phản ứng nhanh từ con số hiện thời 13.000 người cũng như thành lập một đơn vị tấn công mũi nhọn gồm 5.000 binh sĩ, có khả năng triển khai hành động chỉ trong vài giờ để bảo vệ các đồng minh Đông Âu khỏi mọi cuộc tấn công.
Tuy nhiên, Đức và một số quốc gia khác lại đang chần chừ trong quyết định triển khai quân đội NATO tới các căn cứ tại Đông Âu, do lo ngại vi phạm thỏa thuận an ninh vào thập niên 90 với Nga.
Ngoài ra, NATO cũng sẽ tăng cường tổ chức các cuộc tập trận quy mô lớn với các thành viên phương đông như cuộc diễn tập Steadfast Javelin II bắt đầu từ ngày 2/9 với sự tham gia của 2.000 binh sĩ đến từ Đức Estonia, Latvia, Lithuania và Ba Lan.
NATO tăng chi tiêu quốc phòng
Tổng thư ký Rasmussen hiện đang đối mặt với thách thức thuyết phục 28 quốc gia thành viên phục hồi sức mạnh của NATO nói cách khác là tăng chi tiêu quân sự.
Hồi năm ngoái, chỉ Estonia, Hy Lạp, Anh và Mỹ đồng thuận với mục tiêu của NATO về việc chi ít nhất 2% GDP vào lĩnh vực quốc phòng cho NATO. Trong đó, số tiền Mỹ chi đã chiếm 3/4 toàn bộ khoản ngân sách quốc phòng của NATO.
Trong khi, mức chi tiêu quốc phòng của NATO đang suy giảm, Tổng thống Putin lại đẩy mạnh bơm tiền vào hiện đại hóa sức mạnh quân sự Nga. Theo đó, ngân sách quốc phòng của Nga đã tăng thêm 50% trong vòng 5 năm qua.
Tàu khu trục trang bị tên lửa dẫn đườngUSS Ross của Hải quân Mỹ là 1 trong 4 tàu chiến được NATO triển khai thêm tới Biển Đen trong tuần này. |
Mặc dù, một số đồng minh của NATO như Ba Lan, các quốc gia Baltic, Na Uy, Romania và Cộng hòa Czech cho biết họ sẽ tăng khoản chi tiêu, thì nhiều quốc gia khác lại tỏ ra khá thờ ơ vì cần dành tiền cho lĩnh vực y tế, giáo dục và an ninh xã hội quốc gia.
Dù lo ngại các lệnh cấm vận kinh tế với Nga ảnh hưởng không nhỏ tới toàn diện nền kinh tế châu Âu, nhưng việc Moscow ngày càng can thiệp sâu vào cuộc khủng hoảng tại Ukraine đã buộc các nhà lãnh đạo EU hôm 30/8 đi tới quyết định áp đặt thêm biện pháp trừng phạt với Nga.
Hiện tại, giới chuyên gia châu Âu đang tiến hành thảo luận chi tiết về các lệnh trừng phạt mới và sẽ chính thức thông qua vào ngày mai (5/9). Trong số các lệnh trừng phạt đang được cân nhắc có việc cấm xuất khẩu công nghệ và khí đốt của Nga cũng như loại trái phiếu chính phủ Nga khỏi thị trường châu Âu và ngăn các ngân hàng Nga tham gia hệ thống giao dịch quốc tế SWIFT.
Việc loại Nga ra khỏi hệ thống SWIFT do Anh đề xuất, sẽ khiến hoạt động kinh doanh của Moscow bị gián đoạn và tăng mức độ nghiêm trọng của các lệnh trừng phạt mới. Tuy nhiên, một số quốc gia EU vẫn không sẵn lòng áp dụng lệnh trừng phạt này do sợ Nga trả đũa.
Moscow cũng đã đưa ra cảnh báo rằng phản ứng trước các lệnh trừng phạt tăng cường, Nga sẽ cắt giảm lượng khí đốt xuất sang nhiều quốc gia EU trong khi mùa đông đang đến gần, cũng như cấm nhập khẩu thêm nhiều mặt hàng từ châu Âu và tăng cường triển khai các hành động quân sự.
Ngoài ra, trong cuộc họp với Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jose Manuel Barroso, ông Putin cũng đã ca ngợi sức mạnh của quân đội nước này khi khẳng định nếu muốn, Nga chỉ mất 2 tuần để tiến vào Kiev. Moscow còn tuyên bố sửa đổi học thuyết quân sự năm 2010 để đối phó với các mối đe dọa từ NATO.
Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin từ GlobalPost, tờ báo trực tuyến của Mỹ tập trung vào lĩnh vực tin tức quốc tế. GlobalPost ra đời ngày 12/1/ 2009 bởi Charles M. Sennott và Philip S. Balboni với mục tiêu là "để xác định lại tin tức quốc tế cho đại kỹ thuật số". GlobalPost có 65 phóng viên trên toàn thế giới.