Nga cảnh báo Đan Mạch không nên "dấn thân" vì NATO
Đại sứ Nga tại Đan MạchMikhail Vanin |
Đại sứ Nga Mikhail Vanin tại Đan Mạch cho biết, một bước Copenhagen tiến gần hơn đến khối đồng minh phương Tây chính là “mối đe dọa với Nga” và họ sẽ tổn thất vì hành động đó: “Tôi không tin người Đan Mạch chưa hiểu hết những hậu quả sẽ phải gánh chịu nếu đất nước này gia nhập hệ thống phòng thủ tên lửa của NATO. Một khi điều đó xảy ra, các tàu chiến của Đan Mạch sẽ là mục tiêu cho các tên lửa hạt nhân của Nga”.
Theo tờ Copenhagen Post, ông Vanin còn nói rằng nếu Đan Mạch quyết định như vậy thì “mối quan hệ với Nga sẽ bị phá vỡ” và quốc gia này sẽ “đánh mất cả tiền và an ninh”.
Lời cảnh báo này xuất hiện trong bối cảnh căng thẳng leo thang khắp miền đông châu Âu, khi đêm 21/3 Thủ tướng Anh David Cameron và các lãnh đạo EU khác thống nhất gia hạn trừng phạt nhằm vào Nga cho đến khi đạt được các điều khoản trong thỏa thuận ngừng bắn với Ukraine.
Ngoại trưởng Đan Mạch Martin Lidegaard đã lên án lời cảnh báo từ phía nhà ngoại giao người Nga: “Đây rõ ràng là điều không thể chấp nhận được. Nga biết rất rõ hệ thống phòng thủ tên lửa của NATO chỉ nhằm mục đích bảo vệ. Tuy chúng tôi không tán đồng với Nga ở nhiều vấn đề quan trong, nhưng trên hết, quan hệ hai nước vẫn nên duy trì ở mức độ tích cực nhất có thể”.
Các quan chức Anh đã đến Brussels ngày 21/3 để chuẩn bị đề xuất kế hoạch gây quỹ trị giá gần 30 triệu USD giúp tăng cường thể chế dân chủ ở khắp các nước đang bị Kremlin đe dọa. Một quan chức cho biết: “Đối với Anh, lợi ích lâu dài là khi chúng ta nhìn thấy các nước ở khu vực biên giới Đông châu Âu được mạnh mẽ và ổn định. Đó là sự đầu tư dài hạn để ngăn ngừa một Ukraine thứ hai”.
Ở vùng Baltic, nỗi sợ hãi bị Nga tấn công đã trở nên căng thẳng hơn khi Litva - quốc gia thậm chí còn không có chung biên giới đất liền với Nga, đã phải áp dụng chính sách cưỡng bách tòng quân.
Nằm giữa Litva và Nga, Tổng thống Belarus Aleksander Lukashenko đã quyết định hỗ trợ quân số cho các căn cứ của Nga trong thời gian gần đây.
Tổng thống Litva Dalia Grybauskaite cho rằng đất nước cần phải thông qua dự luật cho phép tổng động viên quân sự, để nâng cao số lượng binh lính mới chỉ có 15.000 như hiện nay.
Bộ trưởng Quốc phòng Litva Jonas Vytautas Zukas cho biết: “Thiếu hụt trầm trọng số lượng binh lính khiến chúng ta khó khăn hơn trong việc được chuẩn bị đầy đủ và đặt chủ quyền quốc gia vào tình thế thực sự nguy hiểm”.
Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin từ The Independent - một nhật báo của Anh thành lập năm 1986 và là một trong những nhật báo quốc gia trẻ nhất ở Anh.